Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: Nhiều vướng mắc trong thi hành

(PLO) - Cạnh tranh là một thuộc tính tất yếu của nền kinh tế thị trường, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, song đồng thời hoạt động cạnh tranh cũng dễ biến tướng trở thành vi phạm pháp luật. Hiện nay, các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh đang có xu hướng gia tăng. 
Ảnh minh họa

Do đó, việc tổ chức thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (sau đây gọi tắt là QĐXLVVCT) của các cơ quan thi hành án dân sự giữ vai trò hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án đối với các loại việc này đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một vài những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự.

Một là, về đối tượng thi hành: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS) thì đối tượng được tổ chức thi hành án là QĐXLVVCT khi đáp ứng đủ điều kiện: sau 30 ngày, kể từ ngày QĐXLVVCT có hiệu lực pháp luật mà đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án.

Tuy nhiên, theo Luật Cạnh tranh thì trường hợp QĐXLVVCT có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định như trên đã thiếu một điều kiện cần phải có để cơ quan thi hành án thụ lý giải quyết QĐXLVVCT, đó là QĐXLVVCT đó phải liên quan đến tài sản. 

Mặt khác, tại Điều 106 Luật Cạnh tranh quy định về hiệu lực của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật sau ba mươi ngày, kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không bị khiếu nại theo quy định tại Điều 107 của Luật Cạnh tranh”. Như vậy, bên được thi hành QĐXLVVCT chỉ có quyền yêu cầu thi hành án sau 60 ngày, kể từ ngày ký nếu QĐXLVVCT không bị khiếu nại, bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành và không khởi kiện tại Tòa án.

Luật cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm chứng minh sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án để làm căn cứ cho cơ quan thi hành án thụ lý thi hành.

Trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà đương sự đã khởi kiện tại toà án, đồng thời nộp đơn yêu cầu thi hành án thì dẫn đến việc thi hành án trái quy định. Do đó, cơ quan thi hành án cần đề nghị người yêu cầu thi hành QĐXLVVCT cung cấp thông tin hoặc liên hệ với Tòa án để biết việc đương sự (người phải thi hành án) có khởi kiện tại Tòa án hay không để xử lý vụ việc.

Hai là, về đặc điểm, tính chất của vụ việc cạnh tranh: Các vụ việc xử lý cạnh tranh có rất nhiều đặc điểm khác so với các vụ án thông thường. QĐXLVVCT không giống với Phán quyết, Quyết định của Trọng tài thương mại hay Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, thi hành QĐXLVVCT có những đặc thù riêng, ví dụ về chủ thể vi phạm: phần lớn các chủ thể vi phạm đều là các doanh nghiệp, công ty, các nhóm doanh nghiệp liên kết với nhau dưới hình thức hiệp hội doanh nghiệp với các khối tài sản lớn, nằm ở nhiều địa phương nên việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian.

Về tính chất vụ việc, thường các vụ việc hạn chế cạnh tranh có tính chất rất phức tạp với nhiều hành vi như thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, v.v. nên việc tổ chức thi hành đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh theo QĐXLVVCT không hề dễ dàng.

Các hình thức xử phạt trong vụ việc cạnh tranh cũng khác với các vụ việc thông thường bao gồm cảnh cáo, phạt tiền hoặc có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh, v.v. do đó cơ quan thi hành án cần phải xác định được chính xác nghĩa vụ phải thi hành án thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án và nghĩa vụ nào không thuộc thẩm quyền.

Luật Thi hành án dân sự đã có những quy định tương đối rõ ràng về thủ tục thi hành bản án và quyết định giải quyết phá sản, tuy nhiên lại chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành các hình phạt trong QĐXLVVCT do đó thiếu một cơ chế pháp lý đầy đủ để các cơ quan thi hành án có thể thực hiện. 

Ba là, hiểu biết của các đương sự và Chấp hành viên về pháp luật cạnh tranh còn hạn chế. Ví dụ, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh 2004 theo số liệu khảo sát năm 2013 của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho thấy, trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 1,6% doanh nghiệp “hiểu rất rõ” Luật Cạnh tranh, trong khi đó có tới 92,8% doanh nghiệp “chưa hiểu rõ” về luật này.

Trên thực tế, hiểu biết của chấp hành viên và cơ quan thi hành án về pháp luật cạnh tranh cũng vẫn còn rất ít. Nhiều chấp hành viên khi được hỏi đều không biết, không hiểu về QĐXLVVCT và các nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Trước những bất cập, hạn chế nêu trên, việc sớm nghiên cứu bổ sung những quy định về trình tự, thủ tục thi hành QĐXLVVCT cũng như tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền pháp luật về cạnh tranh để việc tổ chức thi hành đối với các loại vụ việc này có hiệu quả trên thực tiễn đang là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.

Đọc thêm