Trình tự, thủ tục THADS còn rườm rà
Hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực THADS có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác THADS. Trình tự, thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức THA, chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định, thông báo về THA, trong đó có những trình tự, thủ tục không cần thiết. Những quy định này làm cho các chấp hành viên mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, nhưng không có giá trị thực tế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xác minh tài sản và việc kê biên, xử lý tài sản THA.
Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong xác minh tài sản là tính minh bạch và cơ chế quản quản lý tài sản của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, Nhà nước cần có thêm các quy định, chính sách nhằm minh bạch hóa hơn nữa các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và DN.
“Thực tế hiện nay cho thấy việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin tài sản có lúc, có nơi vẫn chưa kịp thời, thậm chí là còn thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các yêu cầu cung cấp thông tin của chấp hành viên cơ quan THADS, mặc dù pháp luật đã quy định khá đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin cũng như biện pháp chế tài trong trường hợp chậm cung cấp hoặc cung cấp không đúng thông tin tài sản cho cơ quan thi hành án. Do vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể, hiệu quả hơn trong việc nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong công tác THADS ”, ông Hồ Quân Chính, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục THADS TP HCM đề nghị.
Bên cạnh đó, việc kê biên xử lý THADS hiện nay nhiều trường hợp bị kéo dài mà nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn bất cập; việc quy định quyền tự thỏa thuận cho đương sự cũng đang còn những hạn chế, gây mất rất nhiều thời gian cho việc xử lý tài sản.
Rút ngắn thời gian thi hành án
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cho biết năm 2016, THADS đã giải phóng trên 29.000 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đã giải quyết trên 30.000 tỉ đồng cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, toàn quốc đã thi hành xong gần 20.000 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đã thi hành trên 10.000 tỉ đồng. “Tuy nhiên, THA vẫn còn bộc lộ tồn tại, 9 tháng đầu năm 2017 số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, còn trên 210.000 việc, tương ứng với 83.000 tỉ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016; sự kéo dài, trì hoãn trong thực thi công lý dẫn đến thứ hạng còn thấp trong xếp hạng tín nhiệm của các nền kinh tế thế giới”.
Ông Lực nêu theo ngân hàng thế giới, tại Việt Nam, thời gian thực thi phán quyết của toà án năm 2016 là 150 ngày và thời gian phá sản kéo dài đến 5 năm. Thứ hạng của Việt Nam trong khối ASEAN còn khiêm tốn, xếp hạng 6/10 về thời gian THA và 8/10 trong hiệu quả phá sản DN. Điều đáng lưu ý là từ năm 2010 đến nay, thời gian THA (150 ngày) không có bất cứ thay đổi và cải thiện đáng kể.
Theo ông Lực, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đưa ra mục tiêu cụ thể về nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng (trong đó có hoạt động THADS) từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020. “Một DN nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, làm ăn thường hỏi các công ty tư vấn luật địa phương về hiệu lực, hiểu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trường hợp xảy ra tranh chấp, họ phải mất bao lâu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công được tài sản, đồng vốn của họ. Vì vậy, THADS phải thực hiện được công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong phá sản. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích phong trào khởi nghiệp”, ông Lực nói.
Quyền Cục trưởng Vũ Quốc Doanh cho biết hội thảo cho thấy giữa thể chế và thực tiễn là cả một khoảng cách. Vì vậy, ông Doanh cũng hi vọng, qua Hội thảo tìm ra được các giải pháp tháo gỡ. Tại Hội thảo, đại diện các Cục THADS địa phương và các Chi cục THADS trên địa bàn TP HCM có hơn 10 tham luận về thực tiễn những khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình THADS tại địa bàn; việc áp dụng những căn cứ pháp luật vào thực tế. Chia sẻ của các ngân hàng trong việc phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngân hàng.