Đầu xuân mới, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề Văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Sinh tử của cuộc cách mạng nằm trong nội bộ Đảng
Thưa ông, NQTƯ 4 đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong đấu tranh với tình trạng tham nhũng, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Điều này có ý nghĩa gì trong giai đoạn hiện nay?
- Ông Nguyễn Quốc Thước: Để nói vấn đề hiện tại có lẽ phải nhắc lại quá trình mới thấy được tính bức xúc và cấp bách, không có điểm lùi của NQTƯ 4. Chúng ta đang ở thời điểm cách đây 70 năm của lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và 71 năm từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong thời kỳ đó, Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên/20 triệu dân và một dân tộc chưa được giác ngộ bao nhiêu nhưng dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh đã làm nên một kỳ tích lịch sử không chỉ cho Việt Nam mà cho cả cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Như vậy để thấy rằng muốn cách mạng thắng lợi thì trước hết phải đặt vấn đề về xây dựng Đảng. Cho nên lúc sinh thời, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn đặt vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở vị trí hàng đầu của tất cả mọi hoạt động cách mạng của Đảng.
Và trong 30 năm của cuộc chiến tranh (1945-1975) với mấy chục vạn đảng viên, chúng ta đã làm nên cuộc cách mạng dân tộc thống nhất đất nước. Trong 30 năm đó, chúng ta xem lại có bao nhiêu đảng viên thoái hóa, biến chất, hầu như là không có. Nếu tình trạng đảng viên suy thoái như hiện nay mà NQTƯ 4 đã nêu ra thì chắc chắn không có Cách mạng tháng Tám, không có chiến thắng Điện Biên Phủ và chắc cũng không có chiến thắng 30/4/1975. Nói như vậy để thấy rằng cái sinh tử của cuộc cách mạng là nằm trong nội bộ Đảng. Những thời điểm khó khăn nhất, có tính quyết định nhất là nằm ở vai trò của Đảng.
Thời điểm gần đây, trước nguy cơ thoái hóa, biến chất trong Đảng đang diễn biến nguy hiểm, NQTƯ 4 khóa 11 đã nhận thức được yêu cầu của vấn đề, nếu không được chấn chỉnh thì tồn vong của chế độ và niềm tin của nhân dân với Đảng không còn, bởi vậy NQTƯ 4 khóa 11 sau 5 năm thực hiện, khi tổng kết lại đã đạt được một số kết quả bước đầu và lôi ra được ánh sáng những vụ tiêu cực, thoái hóa về kinh tế, chính trị, bước đầu đưa lại niềm tin nhất định cho nhân dân. Nhưng những cái mới xuất hiện sau đó càng phức tạp hơn (như vụ sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng….), chính vì thế mới có NQTƯ 4 khóa 12.
NQTƯ 4 khóa 12 đã “đánh” vào sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Lúc này không thể nhận định như khóa 11 nữa, vì những suy thoái đó đang ảnh hưởng nguy hiểm đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không nằm trong những cá thể lẻ tẻ, mà đã đi vào trong tổ chức của Đảng, tổ chức bộ máy của Nhà nước… Nếu không làm kiên quyết thì không phải là nguy cơ nữa mà là nhãn tiền sẽ xảy ra. Cho nên Nghị quyết lần này là một bước cao hơn nhiều, quyết liệt hơn nhiều trong vấn đề đẩy lùi tham nhũng, thoái hóa, biến chất về chính trị.
- Ông Nguyễn Túc: Có thể nói tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất của các tầng lớp nhân dân hiện nay và đúng như đồng chí Tổng Bí thư nói, điều này ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, cho nên theo phương châm của Trung ương là phải làm kiên quyết và kiên trì. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt không phải giữa địch và ta mà đấu tranh giữa bản thân từng người cộng sản, giữa cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu trong mỗi con người.
Phê bình người khác thì dễ nhưng tự phê bình mình thì rất khó, thành thử cuộc đấu tranh này cực kỳ khó khăn, chính vì vậy không phải đến hôm nay mới đặt ra vấn đề chống tham nhũng, chống thoái hóa, biến chất mà đặt ra từ Hội nghị Trung ương VII. Trong văn kiện Đại hội Trung ương VII đã nhận định rằng một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất, đến Đại hội VIII không còn là “một số” nữa mà là “một bộ phận” cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất. Sang đến Đại hội IX thì lại là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất… Điều đó mang tính chất quy luật của việc phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần. Chúng ta nói phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, nhưng việc phát triển theo cơ chế thị trường át hết tất cả, trong khi giáo dục đảng viên của chúng ta làm không như xưa…
|
Ông Nguyễn Túc. |
Phải có cơ chế để quản những người đứng đầu
Để NQTƯ 4 thực sự phát huy hiệu quả, theo ông cần phải làm gì? Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai thực hiện NQ phải kiên quyết, mạnh mẽ; phải đấu tranh cho thật đúng, thật trúng, đặc biệt là những người có chức, có quyền và những người đang thi hành công vụ?
- Ông Nguyễn Quốc Thước: Muốn biến NQ thành hiện thực thì những người xây dựng NQ phải là những người tiên phong và quyết tâm. 100% những con người này phải là những người tiêu biểu, giống như 5.000 đảng viên thời đại Hồ Chí Minh làm Cách mạng tháng Tám. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và gần 200 Ủy viên Trung ương Đảng phải là những ngọn cờ tiên phong đấu tranh chống lại những thoái hóa, biến chất, chống tham nhũng. Sau các đồng chí đó là hệ thống chính quyền các cấp - thượng bất chính thì hạ tắc loạn mà khi thượng đã chính thì chắc chắn sẽ dẹp được loạn bên dưới. Nếu các đồng chí đó tiên phong thì hệ thống đảng viên ở dưới sẽ đi theo, cũng giống như trong Cách mạng tháng Tám chỉ có 5.000 đảng viên tiêu biểu, nhưng 20 triệu dân đã đi theo.
Còn một khi người đứng đầu tiêu cực thì đương nhiên hệ thống bên dưới phải đi theo, vì họ muốn tồn tại thì họ phải đi theo cái tiêu cực, nếu họ chống lại tiêu cực sẽ bị tiêu cực diệt ngay. Mà vấn đề lợi ích nhóm cũng bắt nguồn từ sự không thực sự tiêu biểu của người đứng đầu; nhóm ở đây không phải là 5-7 người nữa mà nhóm bây giờ rất nguy hiểm, kéo hàng ngang với nhau, ràng buộc từ trên xuống dưới. Chúng ta vừa kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, bài học đó để soi lại bây giờ, quyết định cho thắng lợi là vai trò của người tiên phong.
Điều tôi muốn nói nữa là phải phát huy được quyền giám sát của 4 triệu đảng viên và của toàn dân, mà người nói lên tiếng nói khách quan của người dân là hệ thống báo chí. Vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều về đạo đức người làm báo, tôi mong rằng 10 điều đó để sử dụng cho đúng và ủng hộ cho việc lôi ra được ánh sáng những vấn đề mà NQTƯ 4 đang cần.
- Ông Nguyễn Túc: Trong NQTƯ 4 chúng ta nhận diện được mặt xấu rồi, nhưng phải làm sao để đấu tranh với nó? Theo tôi, phải gương mẫu từ trên trở xuống, phải từ cấp cao nhất. Ví dụ như vấn đề tổng động viên, khi chuẩn bị cho giải phóng miền Nam thì con các đồng chí trong Bộ Chính trị đi hết, vậy thì không có lý do gì các đồng chí Ủy viên Trung ương lại không cho con đi. Như vậy là phải mẫu mực từ trên xuống dưới.
Thứ hai là phải có quy chế để giám sát, vì hiện nay quyền lực của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp là rất lớn nhưng trách nhiệm lại không rõ. Cho nên phải có cơ chế để quản những người đứng đầu, giao quyền nhưng đồng thời phải giao trách nhiệm, kiểm tra và giám sát đến nơi đến chốn.
Thứ ba, muốn thực hiện được NQ thì phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động toàn dân. Và để giám sát được phải công khai tài sản, chứ tài sản hiện nay dù có khai nhưng khai xong bỏ đấy. Phải công khai tài sản trước khi nhận chức và sau khi xong một nhiệm kỳ, mà ai có thể giám sát được cái đó, chỉ có dân thôi. Vừa rồi hầu hết những vụ án hình sự là đều ở chỗ không công khai tài sản. Chỉ có dân mới biết tài sản của họ đi đâu.
Một điều nữa, nếu không có đội ngũ doanh nhân thì không thể phát triển đất nước, nhưng đội ngũ doanh nhân cũng có “hai mặt”. Do vậy, bên cạnh việc động viên thúc đẩy đội ngũ doanh nhân để góp phần phát triển đất nước thì cũng phải có hình thức giám sát để họ không vì có tiềm lực kinh tế trong tay để có thể móc ngoặc với những “anh” có chức quyền, từ đó tạo thành lợi ích nhóm. Thời gian vừa qua, hầu hết các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân bị bãi miễn, bị kỷ luật đều là doanh nhân. Vì vậy, muốn NQ đi vào cuộc sống phải tránh những cái đã mắc từ trước và điều quan trọng nhất là phải giám sát được những người có chức, có quyền và những người đứng đầu.
Phân tích tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, NQTƯ 4 đã nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chủ yếu mà một trong những biểu hiện là việc xử lý cán bộ, đảng viên còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Vấn đề này đã được các nghị quyết khóa trước đề cập nhiều lần, tại sao đến nay nguyên nhân chủ quan vẫn chậm được khắc phục, thưa ông?
- Ông Nguyễn Quốc Thước: Cho nên tôi mới nói quyết tâm có làm hay không, hay vì nể nang mà cho qua. Đánh “giặc” này khó hơn đánh ngoại xâm nhiều lắm. Trước đây, chúng tôi ra chiến trường, trước mặt là kẻ thù, sau lưng là Tổ quốc và nhân dân thì chỉ có một con đường - đó là quyết tâm xông lên, chứ bây giờ, vừa địch vừa ta, trong ta có địch, trong địch vẫn có ta nên khó khăn là như vậy.
Tình trạng vừa qua xử phạt dưới thì nặng, xử phạt trên thì nhẹ chẳng qua là vì quan hệ chứ chẳng có gì cả, mà nếu như vậy thì rất nguy hiểm. Một tên khố rách áo ôm ăn cắp chiếc xe đạp bán được 300.000 đồng thì phạt 6 tháng tù, nhưng một ông làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ lại được cân nhắc, đề bạt chức cao hơn thì làm sao dân nghe được? Bởi thế, tôi mong khi đã nói rồi thì phải làm, phải hành động, hành động và hành động; quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt, có như vậy NQTƯ 4 khóa 12 mới biến thành hiện thực. Nếu Đảng hành động không như Đảng nói thì nhân dân sẽ không theo. Hy vọng NQTƯ 4 sẽ là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh một mất một còn trước tình hình trong nước và thế giới đang cực kỳ khó khăn như hiện nay.
Trân trọng cám ơn hai ông!