Quyết liệt trong cải cách quy định kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, các bộ, ngành thời gian qua đã quyết liệt trong việc cải cách quy định kinh doanh và đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cập nhật hàng chục nghìn quy định về kinh doanh

Theo Văn phòng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025), đến giữa tháng 12/2022, các bộ, cơ quan đã thống kê, cập nhật 17.819 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Trong số này, 15.298 quy định đã duyệt công khai, còn 2.521 quy định chưa công khai.

Nằm trong số các bộ có tới cả nghìn quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu danh sách với 5.942 quy định được cập nhật và đã duyệt công khai 5.772 quy định. Trong đó, Bộ đã duyệt công khai toàn bộ 165 thủ tục hành chính; 182 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 290 yêu cầu, điều kiện; 17 chế độ báo cáo; 21 quy định cấm.

Tiếp đến là Bộ Giao thông Vận tải với 2.890 quy định, đã duyệt công khai 1.511 quy định, gồm 413 thủ tục hành chính; 142 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 208 yêu cầu, điều kiện; 35 chế độ báo cáo; 27 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 713 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Bộ Công Thương công khai 1.439/1.452 quy định được cập nhật (445 thủ tục hành chính; 48 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 206 yêu cầu, điều kiện; 179 chế độ báo cáo; 6 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 561 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành). Con số này của Bộ Tài chính là 1.114/1.421 quy định và Bộ Y tế là 1.316/1317 quy định.

Bên cạnh việc cập nhật các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành, các bộ, cơ quan đã cập nhật, công khai 475 quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 744 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải với 163 quy định; Bộ Thông tin và Truyền thông có 148 quy định và 208 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 170 phương án; Bộ Y tế 175 phương án; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 51 quy định và 33 phương án cắt giảm, đơn giản hóa…

Việc cập nhật các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách các quy định này. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thực hiện trong giai đoạn 2018-2023.

Chuyển mạnh sang phương thức điện tử, phi giấy tờ

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, năm 2022, có 4 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Cụ thể, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy định kinh doanh (gồm 196 thủ tục hành chính; 12 chế độ báo cáo; 20 yêu cầu, điều kiện) tại 29 văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo với 101 quy định, gồm 76 thủ tục hành chính, 20 yêu cầu, điều kiện và 5 chế độ báo cáo. Tiếp đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 82 quy định, đều là các thủ tục hành chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 39 quy định, gồm 37 thủ tục hành chính và 2 chế độ báo cáo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 6 quy định, gồm 1 thủ tục hành chính và 5 chế độ báo cáo.

Với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt, các bộ, ngành nêu trên sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 4 luật; 13 nghị định; 12 thông tư, thông tư liên tịch để thực thi các phương án. Như vậy, tổng số quy định hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm là 1.152 quy định (năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 924 phương án cắt giảm, đơn giản hóa tại 7 quyết định). Trong số này có 795 thủ tục hành chính; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 123 yêu cầu, điều kiện; 46 chế độ báo cáo; 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tại 195 văn bản quy phạm pháp luật.

Một số bộ, cơ quan đang tiếp tục rà soát, lấy ý kiến để hoàn thiện phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, như các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan cũng quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Trong 2 năm 2021-2022, tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa là 2.142 quy định tại 171 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 13 luật, 48 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 105 thông tư, thông tư liên tịch và 1 văn bản khác).

Đọc thêm