Quyết nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý

(PLO) - Chiều 15/3, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo chỉnh lý Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Cùng dự, có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận cuộc họp nghe báo cáo chỉnh lý.

Quy định rõ trường hợp không cấp lại thẻ trợ giúp viên

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nguyễn Thị Minh, hiện đã thống nhất chỉnh lý một số nội dung về nguyên tắc hoạt động TGPL, các hành vi bị nghiêm cấm, đối tượng được TGPL, Trung tâm TGPL nhà nước, đăng ký tham gia TGPL, chấm dứt thực hiện TGPL của tổ chức tham gia TGPL, người thực hiện TGPL…

Trong đó, về đối tượng được TGPL, có một số đối tượng được chỉnh lý là người bị buộc tội dưới 18 tuổi, trẻ em không thuộc trường hợp bị buộc tội. Liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm, có chỉnh lý hành vi đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động TGPL, gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện TGPL. 

Đối với quy định lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL, sau khi rà soát nội dung “tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì không được lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL trong thời gian ít nhất là 02 năm kể từ khi có kết luận vi phạm” thì được cho là một căn cứ để cơ quan quản lý không lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL, chứ không phải là điều kiện để lựa chọn và được áp dụng cho cả tổ chức lẫn cá nhân tham gia hoạt động TGPL.

Đặc biệt, đã bổ sung các điều kiện để lựa chọn luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước như có uy tín trong hành nghề luật sư hoặc tư vấn pháp luật; không đang trong thời gian phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật; không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng những quy định về trợ giúp viên pháp lý, Cục TGPL đã phối hợp với Vụ Pháp luật rà soát các trường hợp bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, đồng thời tham khảo Luật Luật sư và chỉnh lý các trường hợp cấp lại thẻ, thủ tục tương ứng… Theo đó, đối với trường hợp thẻ bị mất, bị hư hỏng thì khi đề nghị cấp lại cần có xác nhận về việc bị mất hoặc nộp lại thẻ cũ.

Trong một số trường hợp mà lý do thu hồi có tính chất tạm thời thì sẽ được cấp lại khi lý do thu hồi không còn. Đáng chú ý là đối với người bị thu hồi thẻ vì lý do bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, thực hiện một số hành vi bị nghiêm cấm, người không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong 02 năm liên tục thì không được cấp lại thẻ.

Chú trọng đạo đức nghề nghiệp người làm trợ giúp

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Dương Đăng Huệ quan niệm, TGPL là công việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước nên việc trợ giúp phải đúng đối tượng và miễn phí. Tuy nhiên, cần làm rõ mối quan hệ với các luật khác có liên quan bởi theo ông Huệ, Luật TGPL không phải là luật duy nhất quy định về đối tượng được TGPL mà các luật khác cũng có thể ban hành chính sách TGPL. Vì thế, Luật TGPL chỉ tập trung làm sao để chất lượng dịch vụ trợ giúp ngang tầm với dịch vụ do luật sư cung cấp. 

Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đồng tình với quan điểm phải kiên định nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Còn đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự hành chính và Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị, để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thì rất cần chú trọng đến đội ngũ thực hiện TGPL. Theo đó, cần kiên quyết loại bỏ những người thực hiện TGPL mà vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn như, trợ giúp viên pháp lý lại đòi tiền hay nhận hối lộ là rõ ràng không thể tha thứ, trong khi một số vi phạm khác có thể xem xét, cân nhắc.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao chất lượng TGPL “phải trợ giúp ra tấm, ra món chứ không phải bôi ra, qua đó cần nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện TGPL”. Về hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng đề nghị lưu ý một số đề xuất trên theo hướng chú trọng những vi phạm về đạo đức để góp phần xây dựng đội ngũ thực hiện TGPL mạnh, đủ khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng như dịch vụ của luật sư. Đồng thời với đó là quy định lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL sao cho lựa chọn được các tổ chức có đủ năng lực thực hiện.

Đọc thêm