Quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2024

(PLVN) - Sáng 16/01, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Con nuôi (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Hội nghị do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì và có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp, đại diện các đơn đơn vị thuộc bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của 3 Vụ.
Quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2024

Triển khai bài bản chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, năm 2023, Vụ đã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó đáng chú ý là tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; kịp thời theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Ban hành VBQPPL để có giải pháp xử lý, tháo gỡ cho bộ, ngành địa phương.

Công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục được triển khai bài bản, chuyên nghiệp; việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bảo đảm tiến độ, chất lượng; việc xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Vụ cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; kịp thời tham mưu ban hành các quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội.

Công tác theo dõi hoạt động thẩm định của các các đơn vị thuộc Bộ được Vụ tiến hành thường xuyên, bảo đảm tổng hợp đầy đủ số lượng văn bản được thẩm định; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế. Việc chủ trì thẩm định các đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPP được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định, chú trọng đến chất lượng hồ sơ, tiến độ và bám sát nội dung thẩm định theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL....

Nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, Vụ đã cơ bản hoàn thành tất cả các công việc thuộc Kế hoạch công tác năm 2023. Cụ thể, Vụ đã góp ý hơn 356 dự thảo VBQPPL đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Vụ cũng đổi mới cách thức thẩm định, chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo VBQQPPL để tổ chức toạ đàm, hội thảo, thảo luận trước hoặc sau thẩm định.

Bên cạnh đó, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương và các đơn vị trong Bộ tổng hợp, đánh giá các rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội,…; tích cực tham gia cùng các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo nhiều VBQPPL trong lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoá chất; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi);…

Về việc phản ứng chính sách, pháp luật, Vụ đã tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ tham gia góp ý, thẩm định nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Các ý kiến này đều hướng đến việc thể chế hoá đúng, đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; hoàn thiện các giải pháp pháp lý trước mắt và lâu dài; đảm bảo sự đồng bộ và khả thi; tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, khắc phục, tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, trong năm 2023, Vụ đã tập trung triển khai các Đề án, nhiệm vụ theo sự phân công tác các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ; các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ; tiếp tục triển khai thi hành Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ….

Chất lượng công tác nuôi con nuôi được nâng cao

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phan Đăng Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi cho biết, Lãnh đạo Vụ và tập thể cán bộ trong đơn vị đã luôn chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm bám sát Kế hoạch về tiến độ thời gian; đồng thời chú trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc.

Cụ thể, đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Vụ đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động với các tiếp cận lấy quyền trẻ em làm trung tâm trong triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, từ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đến việc hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện quy trình giải quyết nuôi con nuôi. Vụ cũng chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo việc thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất phương án hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi, cân nhắc khả năng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiếp thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 06/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, Vụ cũng chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong công tác nuôi con nuôi, đặc biệt là khẩn trương, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ nuôi con nuôi khi có văn bản đề nghị của địa phương hoặc công dân; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi dưới nhiều hình thức, tích cực thực hiện việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL để thực thi phương án cắt giảm quy định, thủ tục hành chính, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ giao.

Công tác nuôi con nuôi trong nước đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua chất lượng giải quyết việc nuôi con nuôi. Các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong những năm gần ngày càng chất lượng, trình độ chuyên môn của công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã được nâng cao. Công tác nuôi con nuôi nước ngoài cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; quy trình nghiệp vụ giải quyết hồ sơ được cải tiến, rút gọn, bảo đảm quy trình thực hiện nhiệm vụ phù hợp với mô hình tổ chức của Vụ; tỷ lệ tăng 38% số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài so với cùng kỳ năm 2022. Vụ cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tổ chức, hoạt động các Văn phòng nuôi con nuôi nước ngoài; phối hợp với các Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của các nước nơi con nuôi thường trú và Sở Tư pháp địa phương nơi đã giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài xác minh để trả lời các đề nghị của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Ngoài ra, trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế, Vụ đã tích cực trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp với bộ phận thực thi Công ước La Hay và cơ quan Trung ương các nước thành viên Công ước La Hay trong việc thực thi Công ước và giải quyết việc nuôi con nuôi; duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi với Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận kết quả 3 đơn vị đạt được trong năm vừa qua. Mặc dù nhiều công việc phát sinh so với các năm trước nhưng các đơn vị đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để triển khai các nhiệm vụ đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng nhấn mạnh năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, do vậy yêu cầu 3 đơn vị nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Thứ trưởng lưu ý cần bám sát phương châm điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, với tinh thần “Năm quyết tâm”.

Cùng với đó, cần kịp thời thể chế hoá các chủ trương của Đảng, đặc biệt quy định về kiểm soát quyền lực, xử lý kỷ luật Đảng viên; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền không chỉ trong nội bộ ngành mà còn phải góp ý cho các bộ ngành khác. Đồng thời cũng cần nghiên cứu rộng hơn để đảm bảo gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Đối với công tác thẩm định VBQPPL, Thứ trưởng lưu ý về cách thức, quy trình thẩm định. Cùng với đó cần đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; tháo gỡ khó khăn trong các quy trình, thủ tục của địa phương. Các đơn vị cần rà soát quy trình, quy chế hoạt động nội bộ, cân đối chức năng, công việc của các công chức trong từng đơn vị, kịp thời bổ sung cán bộ để xử lý các công việc phức tạp, phát sinh. Chủ động dự báo các vấn đề pháp lý về chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là về truyền thông chính sách; đề cao vai trò của cấp uỷ đảng để kịp thời báo cáo những nội dung quan trọng, phức tạp; chú trọng đào tạo bồi dưỡng…

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Đọc thêm