Ra mắt tập truyện ngắn của Sơn Nam hồi trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tập truyện ngắn "Hương Quê - truyện ngắn Sơn Nam" đưa người đọc về lại không gian sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long qua cái nhìn của "ông già đi bộ".
Bìa sách "Hương Quê - truyện ngắn Sơn Nam"
Bìa sách "Hương Quê - truyện ngắn Sơn Nam"

Tập truyện lấy tên Hương Quê - truyện ngắn Sơn Nam; Hương Quê là tên của tạp chí vốn được phát miễn phí cho nông dân miền Nam hồi trước 1975 do Hội Khuyến nông lúc bấy giờ chủ trương. Bên cạnh các bài vở có nội dung hướng dẫn việc làm nông, Hương Quê dành "đất" cho hai nhà văn ăn khách lúc bấy giờ là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Mấy năm trước, NXB Trẻ từng ấn hành tập truyện ngắn Hương Quê - Bình Nguyên Lộc, nay tập hợp thành sách 23 truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam.

Đây là những truyện ngắn được viết vào độ tuổi nghề sung sức của Sơn Nam, lại được viết khi ông đang sống và làm việc ở Sài Gòn - trung tâm đô thị miền Nam lúc ấy. Với những truyện ngắn trong tập Hương Quê này, có thể xem như nhà văn Sơn Nam đã hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ cách mạng" ấy. Điều thú vị là Sơn Nam chọn viết về không gian sống của miền Tây Nam Bộ vào đầu thời Pháp thuộc, tức nhà văn ở độ tuổi thành niên chọn viết về mảnh đất quê hương lúc mình còn niên thiếu.

Trong một thiên hồi ức về quê hương miền Tây, nhà thơ Lê Giang từng nhắc đến cảnh những chiếc xuồng chạy trên sông lợi dụng sức gió bằng cánh buồm làm bằng tàu dừa nước. Không hẹn mà gặp, Sơn Nam ở đây miêu tả kỹ hơn câu chuyện chạy buồm của chàng thanh niên ở chót mũi Cà Mau trên đường đi về Cần Thơ, chẳng những dùng lá dừa làm buồm mà khi gặp gió ngược nhưng nước xuôi thì có một kiểu "buồm" khác... (Ba kiểu chạy buồm).

Nhưng sức nặng của ngòi bút Sơn Nam trong số các truyện này tập trung ở chỗ xây dựng những câu chuyện về "trí tuệ nông dân". Bạn đọc hẳn sẽ thích thú khi bắt gặp chi tiết về một bà vợ ông phó hương quản chỉ bằng tửu lượng của mình đánh gục tên thanh tra đểu, vạch trần chân tướng, cứu nguy cho cả làng thoát tội trộm trâu oan ức chỉ vì mánh khóe gian lận của tên mạo danh ở xứ khác đến (Một vụ trộm trâu).

Hay câu chuyện ông thầy đạo Tư "trị" và thầy rắn Tám Tịch lại là một kiểu "trí tuệ" khác, không chỉ nhắc nhớ cách đối nhân xử thế mà còn dư vị về kinh nghiệm phòng tránh rắn độc ở nông thôn bấy giờ (Ông thầy rắn).

Và còn nhiều câu chuyện thú vị khác nữa, những kho vàng Óc Eo, nghệ thuật bắt ong vò vẽ, câu chuyện khởi nghiệp bằng nghề lái nồi, hình ảnh những người phụ nữ "me Tây" giữa cảnh sống thôn quê thời bấy giờ... Tất cả là một phần của đời sống người dân châu thổ sông Cửu Long, một đoạn đường lịch sử đã qua và vẫn còn sống động trong lòng người như minh chứng cho sức sống của văn chương Sơn Nam.

Đọc thêm