Rà soát mẫu hợp đồng hợp tác công tư: Thiếu quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hình thức hợp tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của cả khu vực công và tư, cùng hợp lực để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (CSHT) các dịch vụ công… Với nhu cầu tài chính lớn đầu tư cho CSHT trong thời gian tới đòi hỏi cần phải rà soát các mẫu hợp đồng của loại hình hợp tác đặc biệt này…
Rà soát mẫu hợp đồng hợp tác công tư: Thiếu quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp

Sáng nay 14/06, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm Góp ý Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án CSHT tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội - chia sẻ, từ kinh nghiệm đi trước của các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, hình thức hợp tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư, cùng hợp lực để thực hiện các dự án phát triển CSHT giao thông, các dịch vụ công…, nhằm giảm áp lực cho ngân sách quốc gia và giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn viện trợ hoặc vay ưu đãi nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, đồng thời giảm các tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Song, với đặc điểm quy mô lớn cùng với thời gian thực hiện dài, các dự án PPP đòi hỏi phải có cơ chế sắp xếp tài chính phù hợp, hợp đồng cần được soạn thảo, rà soát kỹ lưỡng để tăng cường tính bền vững đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án.

Theo đó, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh các hoạt động rà soát, nghiên cứu quy định pháp luật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sắp xếp tài chính, mô hình tài chính cho dự án và các điều khoản hợp đồng mẫu là vô cùng cần thiết, đồng thời giúp cả phía cơ quan nhà nước và khối tư nhân có thêm các thông tin và sáng kiến để thực hiện hợp tác công tư hiệu quả, giúp tận dụng nguồn lực xã hội cho mục tiêu công - mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân Việt Nam.

“Trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, làm thế nào để nhà nước tận dụng nguồn vốn tư nhân?Rà soát Hợp đồng PPP là để cân bằng về lợi ích và cân bằng lợi ích tư nhân trong hợp đồng PPP. Nếu không có cách làm mới thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn…”, ông Phạm Vinh Quang, Trưởng nhóm chuyên gia, Dự án Các cơ hội mới nổi tại Châu Á (AEO)- USAID lưu ý.

Hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp tại Tọa đàm

Hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp tại Tọa đàm

Theo TS. Nguyễn Thị Hoa, Giảng viên Khoa luật quốc tế Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP là một lĩnh vực phức tạp và đóng vai trò quan trọng đối với quốc gia.

Điều này có thể được thể hiện thông qua lĩnh vực được áp dụng phương thức PPP theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) tại Điều 4 như lĩnh vực giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện, thuỷ lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải, y tế, giáo dục và đào tạo cũng như hạ tầng công nghệ thông tin.

“Đây là những lĩnh vực có thể nói là ảnh hưởng quan trọng đến an ninh quốc gia và quyền của con người được sống trong môi trường lành mạnh. Chính vì vậy mà các dự án PPP cũng hết sức phức tạp về cả nguồn vốn, kỹ thuật cũng như thời gian thực hiện nên chứ rất nhiều rủi ro cho cả nhà nước và nhà đầu tư cũng như người dân sinh sống xung quanh khu vực có dự án PPP…”- chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định việc hoàn thiện pháp luật về PPP để đảm bảo quyền và lợi ích tốt hơn cho các chủ thể là rất cần thiết để một phần không làm thất thoát tiền và tài nguyên quốc gia, phục vụ tốt cộng đồng cũng như thu hút được nhiều nhà đầu tư để có nhiều dự án được thực hiện nhằm phát triển đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Bá Bình, Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, một nội dung rất quan trọng và thường được các bên quan tâm là điều khoản về giải quyết tranh chấp thì chưa được rà soát và khuyến nghị.

Dẫn các quy định hiện hành, chuyên gia này cho rằng, điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp trong mẫu Hợp đồng BOT còn rất chung chung, chưa cụ thể hoá được các nội dung quan trọng như phạm vi giải quyết tranh chấp, điều kiện áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp, luật áp dụng, thủ tục giải quyết tranh chấp…

“Mặc dù các điều khoản mẫu chỉ mang tính chất tham khảo và các bên có thể bổ sung các quy định liên quan khác cho phù hợp trong các dự án PPP cụ thể, nhưng việc chi tiết hoá các điều khoản giải quyết tranh chấp sẽ giúp cho các bên trong hợp đồng có định hướng rõ ràng hơn về trình tự giải quyết tranh chấp tương ứng với các loại tranh chấp. Việc chi tiết hóa này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các mẫu Hợp đồng BOT của nhiều quốc gia trên thế giới và của các tổ chức quốc tế…”- TS Bình khuyến nghị.

Việc hoàn thiện pháp luật về PPP để đảm bảo quyền và lợi ích tốt hơn cho các chủ thể là rất cần thiết

Việc hoàn thiện pháp luật về PPP để đảm bảo quyền và lợi ích tốt hơn cho các chủ thể là rất cần thiết

Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng PPP được thực hiện trong bối cảnh thiếu hụt các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP, được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Bên cạnh đó, việc thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP cũng góp phần là nguyên nhân khiến các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư PPP.

Đặt trong bối cảnh trên đây, Báo Cáo này có mục đích rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở đó, Báo Cáo sẽ đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hợp đồng BOT; đồng thời đưa ra các đề xuất, gợi ý về các tiêu chí xây dựng các Mẫu Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M trong thời gian tới.

Đọc thêm