Mở đầu phiên chất vấn Bộ Trưởng Trần Hồng Hà, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): đặt câu hỏi: Môi trường nông thôn đang bị ảnh hưởng bởi chất phế thải, chất hóa học tồn dư…. Bộ trưởng có giải pháp gì?.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận đây là một vấn đề bức xúc của ngành môi trường. Không phải chỉ có khu công nghiệp mới ô nhiễm, mà ngoại thành, với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đang là nơi hứng chịu những hậu quả của quá trình dịch chuyển.
Bộ trưởng cũng cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn là do nhận thức ở nông thôn chưa như thành thị. “Ở góc độ quản lý, chúng ta, nghĩ đó là khu vực yên bình, nhưng thực tế lại rất nóng bỏng, bức xúc. Ở nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp lại xen với dân, do công tác quy hoạch không tốt…”
Từ phân tích này, người đứng đầu Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý chung về vấn đề môi trường. Nhưng câu chuyện môi trường ở nông thôn còn liên quan đến việc quản lý hạ tầng, mà vấn đề này lại thuộc thẩm quyền của các bộ khác như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng…
“Các quy định pháp luật cũng chưa rõ, nhiều thành phần chưa được quản lý rõ như những ngành nghề nông thôn, chưa có quy định chặt chẽ, vấn đề quy hoạch chưa được quan tâm trong bối cảnh có nhiều thành phần kinh tế, khu công nghiệp…”, bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa quan điểm: “Muốn hay không muốn, bài toán đầu tiên là trong việc xây dựng cơ chế chính sách cần phân biệt rõ các đối tượng, để quan tâm đến quy hoạch nguồn lực tương xứng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch, thu gom, giải quyết môi trường ở nông thôn.”
Bộ trưởng cũng cho rằng giải pháp của tình trạng này còn cần hướng dẫn để người dân có nhận thức, xử lý các chất thải. Cần có những đơn vị có năng lực để xử lý các loại rác thải nguy hại. Cùng với đó, thời gian tới, cần tính đến việc hướng dẫn người dân trong trường hợp khu chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng công nghệ như biogas trong chăn nuôi. Nếu lớn hơn, cần phải đưa ra khu vực riêng, để có cơ chế hoạt động xử lý rác thải phù hợp. “Nếu chúng ta không tập trung, quy hoạch xử lý rác thải theo vùng, thì rất nan giải”, bộ trưởng nói.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Vấn đề ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, làng nghề đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng tình trạng chưa khắc phục, mà còn gia tăng đáng báo động. Trách nhiệm của Bộ trưởng, giải pháp trong thời gian tới của Bộ trưởng?.
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Hằng, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nghị quyết. Đặc biệt giai đoạn 2011- 2015 đã tập trung giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề, lưu vực sông. Mỗi lưu vực sông đã xây dựng các đề án, Bộ đã xây dựng các đề án, các mục tiêu… Mô hình xử lý nước thải, mô hình xử lý chất tồn dư. Bộ đã có các chương trình mục tiêu trình Quốc hội…, tuy nhiên, với kinh phí khó khăn, nên mới bố phí được 1/5 tổng kinh phí. Mục tiêu đặt ra là giải pháp cho 34 làng nghề, nhưng mới chỉ giải quyết được 9 làng nghề.
“Bộ sẽ nghiên cứu để có nguồn đầu tư của nhà nước, nhưng nếu chỉ sử dụng bằng ngân sách thì khó, cần sự đầu tư của 3 bên, ngân sách, ODA, và xã hội hóa với các mô hình liên hợp. Sẽ triển khai theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền”, Bộ trưởng cho biết.