Rác thải “vây” trường học

 Dọc theo tuyến quốc lộ 06 qua địa bàn huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, cứ vài km lại thấy những bãi rác cao như ngọn núi tràn lan khắp các ngõ xóm, đường quốc lộ. Không dừng lại ở trên những con đường, rác còn bao vây cả trường học.

 Dọc theo tuyến quốc lộ 06 qua địa bàn huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, cứ vài km lại thấy những bãi rác cao như ngọn núi tràn lan khắp các ngõ xóm, đường quốc lộ. Không dừng lại ở trên những con đường, rác còn bao vây cả trường học.

Dù biết nó làm ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng do thiếu nguồn kinh phí và không ai muốn rác gần nhà mình nên cứ đất công ở đâu là rác thải có ở đó mà chính quyền đành... đứng nhìn!

Sống chung với... rác

Từ vài năm trở lại đây, hàng ngày người dân sống dọc hai bên đường quốc lộ 6 (đoạn qua huyện Chương Mỹ) phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ các bãi rác ở hai bên hành lang đường. Chưa đây chục km dọc theo quốc lộ 6, rất nhiều bãi rác nằm rải rác hai bên đường được chất thành núi, cao hàng mét như tại khu vực chợ Đông Phương Yên (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ), khu vực chợ Ghốt (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ), khu vực chợ Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).

“Ao rác” án ngữ trước cổng chợ Đông Phương Yên và ngay sát khu dân cư
“Ao rác” án ngữ trước cổng chợ Đông Phương Yên và ngay sát khu dân cư
Người dân địa phương cho hay, phần lớn các khu vực trên chưa có các điểm tập kết rác thải sinh hoạt nên việc xả rác ra đường cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Từ đó, cảnh quan dân sinh dọc quốc lộ 6 ngày càng bị bôi bẩn.

Đi qua tuyến Quốc lộ 6, dễ dàng thấy rác xả bừa bãi ở cổng chợ Đông Phương Yên (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ). Có đoạn, rác chiếm một phần ba lòng đường. Đứng trước nguy cơ này, chính quyền địa phương xã đã huy động người và máy móc đến đào một “ao rác” cạnh đó để xả rác xuống rồi lấp ngay tại chỗ. Nhưng “ao rác” có to đến máy cũng không thể chứa hết rác, ao đầy, rác lại lên đường rồi tung tăng dạo phố.

Cô Trần Thị Như (ở thôn Tân Phương, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) tâm sự: “Những ngày nắng nóng, rác bốc mùi nồng nặc, cả khu chúng tôi nghiến răng chịu đựng”.

“Quanh khu vực nhà tôi, mấy năm trở lại đây, mạch nước ngầm bị ô nhiễm rất nặng. Nguồn nước ăn ở giếng khơi bơm lên có mùi hôi và tanh. Khi đun nước lên để nguội, nước có màu xanh như luộc rau vậy. Thậm chí chúng tôi không dám dùng thứ nước ấy để rửa tay mà phải chuyển nước từ xa về để sinh hoạt” - cô Như nói thêm.

Rác “vây” trường học

Dạo quanh một vòng qua các xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ mới hay rác thải đã có mặt ở khắp mọi nơi. Rác len lỏi vào từng ngõ nhỏ, xóm nhỏ. Rác bủa vây mọi nơi, mọi chỗ. Nhưng gây sốc nhất cho chúng tôi phải kể đến một bãi rác khổng lồ án ngữ ngay trước cổng Trường tiểu học và THCS Trường Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ).

Bãi rác khổng lồ vây kín cổng Trường Tiểu học Trường Yên
Bãi rác khổng lồ vây kín cổng Tiểu học Trường Yên
Anh Trần Văn Tuấn, một người dân địa phương bức xúc: “Không có chỗ đổ rác, người dân đã mang rác ra trước cổng trường học để đổ. Ngày nào con trai tôi đi học về cũng than thở về mùi hôi thối của rác bốc vào lớp học. Thế mà chính quyền xã không có bất kỳ một biện pháp gì để giải quyết”.

Trao đổi với PLVN, Chủ tịch UBND xã Trường Yên - ông Nguyễn Gia Dư cho biết: “Mấy năm trở lại đây, lượng rác thải trên địa bàn xã tăng đột biến. Chính quyền xã đã bố trí hai bãi tập kết, đổ rác cho các thôn trên địa bàn xã gồm bãi Đá (phục vụ hai thôn Nhật Tiến, Yên Trường) và bãi Giữa (thôn Phù Yên). Nhưng chỉ được một thời gian, người dân đã phản đối việc đổ rác ra bãi Đá nên hiện nay, tại một số điểm của xã Trường Yên, rác thải lại ùn ùn tắc trên đường”.

Liên quan đến bãi rác ngay cổng trường học, Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Trường Yên đã kiến nghị UBND xã Trường Yên giải quyết. Để giải tán bãi rác này, chính quyền xã Trường Yên đã liên hệ với Công ty Đô thị và Môi trường Xuân Mai để nhờ can thiệp nhưng bị từ chối.

“Trước mắt chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lí các bãi rác quanh trường học, bên cạnh đó, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban ngành và lực lượng an ninh xã kiểm tra, xử lí các trường hợp cố tình xả rác ra cổng trường. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức trong việc xử lí rác thải sinh hoạt” - ông Dư cho biết.

Mỗi ngày, những đống rác thải sinh hoạt ngày càng đầy lên tại các khu vực ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, thôn xóm, chính quyền các địa phương đã nhận thấy tác hại của rác, nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí nên mỗi năm các xã cũng chỉ thu gom rồi tiêu hủy được một lần. Mặt khác, các thôn, xã ở huyện ngoại thành này đều không có khu tập kết rác nên việc kêu gọi ý thức của người dân là điều không thể.

Trong thời gian tới, nếu TP.Hà Nội và huyện Chương Mỹ không có kế hoạch quy hoạch các khu xử lý rác tại huyện này thì không biết lượng rác sẽ đổ đi đâu?.

Thiên Minh

Đọc thêm