Rằm tháng Giêng 2025 cúng gì, ngày và giờ nào tốt nhất?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu. Năm nay, ngày rằm đầu tiên của năm, tức ngày 15/1 âm lịch nhằm ngày 12/2 dương lịch. Người Việt quan niệm, Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường chuẩn bị mâm cỗ cúng rất chu đáo.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng gồm những gì?

Về cơ bản thì mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng không khác nhiều so với Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cúng rằm tháng Giêng cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào điều kiện kinh tế của gia chủ mà chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc. Với bàn thờ gia tiên dâng mâm lễ mặn, còn với bàn thờ Phật thì cúng lễ chay.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên

Mâm cỗ cúng gia tiên sẽ thường có 4 bát 6 đĩa. Cụ thể, 4 bát gồm: canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm: Thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành/dưa muối, xôi hoặc bánh chưng.

Cần lưu ý, lễ vật cũng gồm hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu và không được để chung với lễ vật cúng Phật.

Mâm lễ cúng mặn (Ảnh: Linh Sam)

Mâm lễ cúng mặn (Ảnh: Linh Sam)

Một mâm lễ mặn cúng rằm tháng Giêng thường bao gồm: 5 lạng thịt vai luộc; Một bát canh măng; Một đĩa xào thập cẩm; Một đĩa nem; Một đĩa rau xào; Một đĩa giò; Một đĩa xôi gấc; Một đĩa hoa quả.

Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu.

Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Mâm cỗ chay cúng Phật

Mâm cỗ chay cúng Phật, gồm: Hoa quả; chè xôi; các món đậu; canh xào không thêm nhiều hương liệu; bánh trôi nước; cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món.

Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy) và vàng (kim); và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương: sông, núi, biển, đồng bằng. Tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi nếu có.

Ngoài ra, các gia đình có thể phóng sinh, đi chùa lễ Phật, làm việc thiện…

Mâm cỗ chay Rằm tháng Giêng.

Mâm cỗ chay Rằm tháng Giêng.

Cúng Rằm tháng Giêng 2025 ngày, giờ nào tốt nhất?

Theo quan niệm dân gian, tiến hành nghi lễ cúng vào ngày chính Rằm là tốt nhất. Bởi đó là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm, phúc khí vượng, Đức Phật giáng lâm ban phước, độ trì chúng sinh. Khi thành tâm cầu cúng sẽ được Ngài độ trì cho bình an, may mắn, hứa hẹn cả năm mới được bình an, gặp hung hóa cát.

Theo Lịch vạn niên năm Ất Tỵ, Rằm tháng Giêng năm 2025 rơi vào thứ Tư, ngày 12/2 dương lịch. Lịch can chi là ngày Nhâm Tý, ngày Hoàng đạo, hành Kim, ngày cát lành, thích hợp nhất với nghi lễ cúng Rằm.

Ngoài ngày chính Rằm nêu trên, thì ngày 14 tháng Giêng năm nay cũng được đánh giá là ngày đẹp để tiến hành cúng khấn. Ngày này rơi vào thứ Ba, 11/2/2025 dương lịch, ngày Tân Hợi, hành Kim, bảo nhật cát lành.

Sau khi biết được cúng Rằm tháng Giêng 2025 ngày nào đẹp, các gia đình nên lưu tâm chọn được giờ cúng tốt để nghi lễ được diễn ra thuận lợi và linh thiêng. Cụ thể như sau:

Ngày chính Rằm (15 tháng Giêng), khung giờ tốt gồm: Quý Mão (5h-7h): Giờ Ngọc Đường hoàng đạo; Bính Ngọ (11h-13h): Giờ Tư Mệnh hoàng đạo; Mậu Thân (15h-17h): Giờ Thanh Long hoàng đạo; Kỷ Dậu (17h-19h): Giờ Minh Đường hoàng đạo.

Ngày 14 tháng Giêng, khung giờ tốt gồm: Nhâm Thìn (7h-9h): Tư Mệnh; Giáp Ngọ (11h-13h): Thanh Long; Ất Mùi (13h-15h): Minh Đường; Mậu Tuất (19h-21h): Kim Quỹ.