“Dạy” con bằng… bạo lực?!
Vụ án gây chấn động dư luận về cô bé V.A. bị bạn gái của cha mình hành hạ đến chết đã được xét xử với những bản án thích đáng cho người gây tội ác. Có một lời khai mà cả bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Trung Kim Thái đã khai nhiều lần tại cơ quan điều tra và trước tòa là hành vi đánh đập để “dạy” cháu V.A. và “không nhận thức được tội lỗi của mình”. Những hành vi tội lỗi và hậu quả các bị cáo đã gây ra không lời lẽ hay lý do nào có thể bào chữa được, nhưng từ lời khai trên cũng cho thấy một thực tế là không hiếm cha mẹ, người thân sử dụng các hình phạt, biện pháp bạo lực nhân danh “dạy” trẻ.
Năm 2021, đã có sự việc xảy ra tại TP HCM, một trẻ 8 tuổi do không hoàn thành bài tập ở lớp, bị cô giáo trách mắng nên về nhà bị cha mẹ phạt đánh bằng roi. Kết quả cháu phải nhập viện do trận đòn quá nặng tay của cha mẹ. Từng xảy ra những trường hợp cha mẹ phạt con bằng các hình phạt gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ khi con có hành vi sai trái hay lười học: Khiến con ngất xỉu vì bị bắt quỳ gối, nhịn ăn, đánh đập trẻ mạnh tay gây thương tích trên cơ thể, thậm chí có trường hợp khiến con sái tay, gãy tay chân.
Không chỉ “dạy” con bằng đòn roi, nhiều bậc cha mẹ, người thân của trẻ còn có những biện pháp “dạy” bằng cách tra tấn tinh thần, chà đạp nhân phẩm trẻ. Trên mạng xã hội không ít lần xuất hiện những clip cha mẹ giáo dục con bằng cách chửi mắng con thậm tệ, sỉ nhục con, so sánh con với các con vật. Có cả trường hợp con ăn cắp hoặc mới bị nghi ăn cắp, cha mẹ đã lột quần áo, đuổi con ra khỏi nhà trong sự van xin của con và ánh mắt của bao người chứng kiến.
Ngoài thương tích về thể chất, nhiều đứa trẻ bị tổn thương tinh thần, bị trầm cảm, nổi loạn, chống đối gia đình, thậm chí bỏ nhà đi cũng vì những cách “dạy dỗ” nói trên. Theo thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 trong năm 2021, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (72,84%). Đây mới chỉ là thống kê của một tổng đài, trong thực tế con số này còn lớn hơn nhiều và để lại rất nhiều hậu quả đáng buồn.
Nguy cơ phạm luật
Hành vi dạy con bằng đòn roi xuất phát từ những quan niệm lạc hậu trong giáo dục con cái từ nhiều thế hệ trước là “thương cho roi cho vọt”.
Thực tế, nhiều năm qua, rất nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cảnh báo về hành vi “dạy” con bằng bạo lực. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn sẽ có hành vi gây rối, sử dụng bạo lực trong đời sống nhiều hơn so với những đứa trẻ khác.
Việc đánh đòn dễ khiến trẻ mắc chứng rối loạn hành vi xã hội, rối loạn tinh thần, căng thẳng và bất ổn về mặt cảm xúc, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, suy giảm khả năng nhận thức, kém phát triển về trí tuệ.
Nhiều khảo sát xã hội cũng chứng minh rằng, tỉ lệ tội phạm trưởng thành từng là nạn nhân của đòn roi trong gia đình từ nhỏ cao hơn.
Không chỉ thể, việc “dạy” con bằng bạo lực có thể khiến cha mẹ trở thành người vi phạm pháp luật, đẩy gia đình vào bi kịch. Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định rõ về các hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm, như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Người thực hiện hành vi đánh đập con cái vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em sẽ bị xử lý hành chính chịu với mức phạt tiền từ 1.000.000 - 1.500.000, với hành vi gây thương tích cho người trong gia đình theo Nghị định 167/2013 hay mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự theo qui định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự “Tội cố ý gây thương tích” với mức hình phạt tù từ 06 tháng - 20 năm tùy thuộc vào mức độ thương tích gây ra.
Cạnh đó, việc đánh đập con cái còn có thể bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, căn cứ vào tính chất, mức độ của từng hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập trẻ em mà người phạm tội có thể bị xử phạt với các tội khác nhau, khung hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình.
Có thể thấy, việc dùng các biện pháp bạo lực tác động đến thể chất, tinh thần con đều là hành vi không nên, không được phép trong giáo dục con cũng như trong đời sống hàng ngày của gia đình. Hành vi ấy có thể gây đến những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ, và cũng có thể khiến các bậc cha mẹ phải đối mặt với án phạt, với tù tội. Những thói quen nhỏ nhưng sai trái mà không được nhận thức và sửa chữa kịp thời, có thể hủy hoại cả một gia đình đang êm ấm, làm tan nát tương lai con trẻ.
Con ngoan từ gương của cha mẹ
Liên quan đến trách nhiệm, cách thức dạy dỗ con cái của cha mẹ, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH,TT&DL đặc biệt nhấn mạnh việc cha mẹ làm gương cho con. Theo đó, muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một công dân chân chính, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo.
Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình. Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả gấp trăm ngàn lần.