Rau xanh, hoa ly sẽ 'đắt cắt cổ' dịp Tết Nguyên Đán

(PLO) - Đợt rét kỷ lục tại Hà Nội khiến phần lớn diện tích rau xanh cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán bị dập nát, ngừng phát triển do sương gió. Trước đợt rét, nắng kéo dài khiến hoa ly nở sớm, một số người dân tại xã Mê Linh đã gửi hoa lên Sa Pa để bảo quản. Rau không còn nhiều để cung ứng, hoa ly do phí vận chuyển, bảo quản cao nên dự đoán 2 sản phẩm này sẽ tăng giá mạnh sắp tới.
Rau xanh bắt đầu tăng giá
Chật vật hoa ly nở sớm
Năm nay là một năm vô cùng vất vả với những nông dân trồng hoa ly tại Hà Nội. Hoa nở sớm trước Tết Nguyên đán cả tháng trời. Anh Văn Đoàn, người dân Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời điểm đó nhà nào bán được đắt thì được 15.000 đồng/cành còn không chỉ được từ 5.000 - 10.000 đồng/cành. Nhiều nhà thấy giá thấp quá, đâm chán nản, để mặc hoa nở trong vườn.
Theo tính toán của anh Đoàn, với giá đầu tư ban đầu là 20 - 22 nghìn đồng/củ giống, chưa kể công chăm chút ngày đêm thì nhà có 1 mẫu đất trồng hoa ly ước tính thua lỗ gần 100 triệu đồng mỗi sào.
Còn tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, hơn 10 ha diện tích trồng hoa ly cũng đã được thu hoạch. Một nông dân tại xã Mê Linh cho biết, hoa ly vườn nhà được chuẩn bị cho 3 đợt: Tết Nguyên đán, lễ Tình nhân Valentine và dịp 8/3. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi đã khiến cho chị “vỡ kế hoạch”.
Hoa được cắt sớm mang đi bán với giá rẻ, những hoa nụ xanh còn lại được đưa vào nhà lạnh để bảo quản. Một số gia đình đã chấp nhận thuê xe tải đưa hoa ly lên Sa Pa để ủ lạnh. Bà Yến, nông dân xã Mê Linh cho biết, các hộ trồng hoa ở Mê Linh chủ yếu trồng hoa trong bồn, chậu nên chi phí bỏ ra cao hơn bình thường. Nếu bán sớm thì sẽ trắng tay, còn mang thêm nợ nần. Vì thế, bà Yến đã bỏ ra gần 20 triệu đồng/chuyến xe để đưa một nửa số hoa còn lại lên Sa Pa. Dự định 20 Tết sẽ đưa về chợ hoa để bán.
Tuy nhiên, dự định của nhiều nông dân trồng hoa ly lại một lần nữa bị ông trời thử thách. Đợt không khí lạnh tràn về từ hôm thứ Bảy (23/1) khiến hoa ly tại Thủ đô bớt nở. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm, nhưng không ít nông dân lại tất tả chuyển những cành ly về sớm, do Sa Pa rét đậm, rét hại. “Di chuyển đã tốn kém, nay lại chuyển đi chuyển về liên tục, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả hoa Tết”, một nông dân nói.
Rất may, đến thời điểm này, giá hoa ly cũng đã lên gấp đôi, gấp ba so với chuỗi ngày rớt giá mạnh, khoảng 30 - 40.000 đồng/cành. Người nông dân trồng hoa tin tưởng, từ giờ đến Tết Nguyên đán, giá hoa ly có thể tăng ít nhất 50.000 đồng/cành, tránh cho người nông dân một vụ mùa trắng tay.
Tiểu thương khan hàng, rau tăng giá mạnh
Chiều ngày 28/1, tất cả các mặt hàng rau củ quả tại chợ đều tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại rau xanh ăn lá.
Cụ thể, tại chợ Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), so với thời điểm cuối tuần trước, rau cải mơ đã tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, rau muống tăng từ 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, su hào giá 5.000 đồng/củ tăng lên 10.000 đồng/củ, súp lơ 10.000 đồng/cái tăng lên 18.000 đồng/cái, rau xà lách tăng từ 3.000 đồng lên 7.000 đồng/cây, cải thảo giá 15.000 đồng nay lên 25.000 đồng/kg, cà chua tăng giá gấp đôi lên 30.000 đồng/kg.
Cá biệt, dịp này bắp cải còn tăng giá gấp 5 lần so với 4 ngày trước đó. Cụ thể, tại chợ Hoa Đỏ giá bắp cải đã tăng từ 6.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg.
Theo chị Nguyễn Thị Dân, tiểu thương chuyên bán rau tại chợ Gia Lâm, do đợt rét đậm vừa rồi kết hợp với sương giá nên rau ngừng không phát triển, nhiều diện tích rau còn bị dập nát, hỏng vì sương giá dẫn đến nguồn cung rau về các chợ khan hiếm. Theo đó, giá rau lập tức tăng mạnh.
“Nay tôi đi lấy hàng ở chợ đầu mối thấy rau đắt lên từ ngày. Hôm qua một giá, nay lấy đã giá khác. Đặc biệt, nguồn cung tại chợ cũng không nhiều, một số loại rau thậm chí còn không có hàng để tôi có thể lấy về bán lẻ”, chị Dân chia sẻ.
Các tiểu thương lo lắng,  các mặt hàng rau lại xấu mã nên 2 hôm nay, gần 1/3 số tiểu thương bán rau tại chợ tạm nghỉ vì không lấy được hàng bán.
Không chỉ tăng giá mạnh dịp này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng dự báo, dịp Tết này giá rau có thể tăng gấp đôi giá hiện tại bởi nhu cầu mua rau vào những ngày trước Tết cực lớn. Trong khi đó, nguồn cung rau lại cực kỳ hạn chế do ảnh hưởng của giá rét khiến rau ngừng phát triển
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ nhiệm HTX Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, do đợt rét vừa qua nên diện tích rau của toàn HTX bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các loại rau đều ngừng sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là với các loại rau có lá mỏng. Theo đó, sản lượng rau cung cấp ra thị trường những ngày rét đậm vừa ngay đã giảm mất gần một nữa, chỉ được khoảng 40-50 tấn/ngày.
“Do nguồn cung khan hiếm nên giá các loại rau ở hợp tác xã cũng tăng từ 60-70% so với thời điểm trước đợt rét đậm”, ông Chính nói.
Theo ông Chính dự báo, nếu thời tiết không ấm dần lên, nhiệt độ vẫn ở mức dưới 12 độ C thì giá rau bán ra của HTX Văn Đức có thể tăng gấp đôi so với ngày thường. Đặc biệt, nguồn cung rau phục vụ Tết cũng sẽ giảm mạnh vì rau xanh không lớn kịp.

Đọc thêm