RCC tìm cơ hội liên kết đầu tư các Dự án BOT, BT

(PLO) - Huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm và mở rộng thị trường; “chớp” thời cơ liên danh, liên kết đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức BOT, BT... để nâng cao doanh số và tạo việc làm cho người lao động - là “đích ngắm” của Công ty CP Tổng công ty Công trình Đường sắt (RCC) trong năm 2017.
Dự án cầu đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) do Liên danh RCC - Rinkai (Nhật Bản) thi công
Dự án cầu đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) do Liên danh RCC - Rinkai (Nhật Bản) thi công

Khó khăn vẫn giữ được uy tín, thương hiệu

“Việc làm” là một trong những từ khoá được các đơn vị xây lắp như RCC láy đi, láy lại nhiều lần mỗi kỳ hội họp, tổng kết. Bởi sản lượng, doanh thu và  sau cùng là thu nhập của người lao động... đều bắt nguồn từ đây. Trong khi theo lãnh đạo “Tổng” này, thì 2016 là năm hết sức khó khăn trong tìm kiếm nguồn việc làm. Vì thế, ít nhiều đã có những tác động đến các chỉ tiêu cơ bản mà lãnh đạo công ty và Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 đề ra.

“Đáng nói, thời gian qua, việc cạnh tranh khá gay gắt về giá giữa các nhà thầu trong đấu thầu, chào thầu khiến một số gói thầu trúng thầu nhưng thực tế hiệu quả lợi nhuận thấp. Thậm chí, không có lợi nhuận nếu như không có biện pháp tổ chức thi công hợp lý”, ông Nguyễn Hữu Điểm - Phó Chủ tịch HĐQT RCC nhấn mạnh.

Một vấn đề trở ngại nữa là do RCC hiện vẫn còn cổ phần của Nhà nước (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) nên theo quy định không thể tiếp cận được các Dự án sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ hoặc các dự án do chính Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư… dù RCC là “con đẻ” của “Tổng” này.

“Năm qua, vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có giai đoạn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thời điểm giữa năm. Nhưng ban lãnh đạo công ty đã tranh thủ huy động những nguồn vốn nhàn rỗi và chỉ đạo quyết liệt lập hồ sơ thanh toán khối lượng xây lắp đã hoàn thành nên cơ bản đáp ứng đủ nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo RCC cho biết thêm.

Kết thúc hoạt động năm 2016, đại diện RCC nói tổng giá trị sản lượng mà đơn vị đạt được là trên 528 tỷ đồng, doanh thu và thu nhập đạt trên 702 tỷ đồng, thu vốn đạt 650 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán của đơn vị ở mức 1,7 lần. Từ đó, có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng, chỉ trả cổ tức dự kiến 11%, thu nhập bình quân người lao động xấp xỉ 8 triệu đồng/người/tháng...

“Hầu hết các công trình thi công trong năm 2016, chúng tôi đều có Ban điều hành trực tiếp giám sát và chỉ đạo thi công nên cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng và giữ vững được uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Điểm khẳng định.

Đặc biệt, năm 2016, RCC là một trong những doanh nghiệp được huy động đến Đồng Nai “giải cứu” khẩn cấp sự cố sập cầu Ghềnh, và đã nỗ lực thi công góp phần hoàn thành rút ngắn tiến độ công trình này gần 1 tháng, làm lợi cho Đường sắt Việt Nam một giá trị kinh tế lớn, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và khen thưởng. 

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa (thứ 2 phải sang) kiểm tra hoạt động sản xuất dầm thép cầu Ghềnh tại RCC
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa (thứ 2 phải sang) kiểm tra hoạt động sản xuất dầm thép cầu Ghềnh tại RCC

Tính chuyện gia nhập “sân chơi” BOT, BT và PPP

Theo lãnh đạo RCC, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Giao thông nói chung và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói riêng đang có chiều hướng ngày một hạn hẹp, và tiếp tục được dự báo là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn việc làm của công ty trong năm 2017.

Chủ động vấn đề này, ngay từ những ngày đầu năm, lãnh đạo RCC đã dồn lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, và đã có được những tín hiệu đáng mừng khi  ngay trong Quý I, đơn vị đã thắng thầu 2 công trình trị giá hơn 80 tỷ đồng ở Thanh Hóa (cầu Bình Hòa) và Quảng Nam (cầu Tam Giang).

Ngoài ra, để có nguồn việc làm ổn định lâu dài, HĐQT RCC  quyết định năm nay sẽ nỗ lực tìm cơ hội để liên danh, liên kết tham gia đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao),  BT (xây dựng - chuyển giao) và PPP (đối tác công -  tư). Đây là lĩnh vực không mới, có nhiều cơ hội nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh. 

Được biết, ngoài xây lắp, năm 2017, RCC quyết định chi mạnh tay cho Dự án Khách sạn Quang Phú (Quảng Bình) - một công trình dự báo sẽ tạo ra nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp trong tương lai, qua đó góp phần nâng cao giá trị dịch vụ trong cơ cấu sản lượng chung của đơn vị.

Để phục vụ những nhiệm vụ quan trọng nói trên, quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp là sẽ tổ chức học tập, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo đối với một số cán bộ chuyên môn nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng được yêu cầu dự thầu và chỉ đạo thi công các công trình, các gói thầu trước những yêu cầu, đòi hỏi mới.

Theo đó, về con số tổng thể, RCC đặt mục tiêu năm nay sẽ ký hợp đồng xây lắp với các chủ đầu tư đạt từ 600 tỷ đồng trở lên; doanh thu và thu nhập 700 tỷ đồng trở lên; cổ tức dự kiến khoảng trên 10%. Đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động.

Cổ phiếu bán lắt nhắt không tạo được đột phá

Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nắm giữ hơn 48% cổ phần tại RCC. Ông Võ Văn Phúc - tân Tổng Giám đốc (thay ông Nguyễn Thành Long vừa nghỉ chế độ) là người đại diện phần vốn Nhà nước tại đây.

Theo RCC, năm nay đơn vị sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi có yêu cầu. Về việc này, trao đổi với PLVN, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói: “Quan điểm của chúng tôi là phải bán đấu giá cổ phiếu theo lô. Như thế mới tìm được nhà đầu tư có đủ tiềm lực để phát triển đơn vị sau khi Nhà nước rút khỏi đây, chứ bán lắt nhắt thì không thể tạo ra đột phá lớn”.

Đọc thêm