Rõ hơn cơ chế xử lý với bản án, quyết định của Tòa bị hủy, sửa

(PLO) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã làm rõ hơn cách thức xử lý đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong.
Chấp hành viên bị “bó tay”
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, để đến được giai đoạn “giám đốc thẩm, tái thẩm” không phải là trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, ngay sau khi bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đương sự đã có quyền yêu cầu thi hành án, Cơ quan THADS sẽ có trách nhiệm tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự. 
Vì vậy, phần lớn những vụ việc đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc tổ chức thi hành án đang được thi hành dở dang mà có thể là đã thi hành xong. Tiền, tài sản đã được giao cho người được thi hành án. Quyền sở hữu tài sản thi hành án có thể được chuyển giao cho rất nhiều người. Giá trị tài sản thì thay đổi hàng ngày, chưa kể có những vụ án kéo dài hàng chục năm…
Điều 135, 136 Luật THADS 2008 đã có một số quy định về hướng xử lý đối với việc thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa và thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. 
Tuy nhiên trong thực tế, việc giải quyết hậu quả của việc xét xử lại bản án đã được đưa ra thi hành vẫn gây rất nhiều lúng túng cho cơ quan THADS và bức xúc cho đương sự, nhất là những người đã bị cưỡng chế để thi hành bản án. 
Quy định tại Điều 135 Luật THADS 2008 cho phép Chấp hành viên cơ quan THADS tự quyết định việc cưỡng chế trả lại tài sản cho chủ sở hữu là thiếu căn cứ pháp lý. Vì về mặt nguyên tắc, chỉ có Tòa án mới có quyền xác định quyền sở hữu đối với tài sản. 
Điều luật cũng quy định chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản mà không đưa ra phương án nào, cách thức nào, căn cứ pháp lý nào để Chấp hành viên thực hiện quy định này.
Luật THADS 2008 cũng hoàn toàn không quy định về hướng xử lý trong trường hợp xét xử lại bản án, quyết định từ giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm mà cơ quan tiến hành tố tụng lại quyết định việc đình chỉ giải quyết vụ án, hậu quả giải quyết sẽ như thế nào? Đây là vấn đề gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án, trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. 
Khuyến khích thỏa thuận trong thi hành án
Do đó, khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật đã làm rõ hơn cách thức xử lý đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong. 
Cụ thể: Để tạo điều kiện cho Tòa án nắm được kết quả thi hành án và có hướng xử lý, cũng để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật liên quan đến thẩm quyền của Tòa án trong việc ra quyết định đưa bản án, quyết định thi hành án ra thi hành nói riêng và việc theo dõi kết quả thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nói chung, tại Điều 134, 135, Dự án Luật đã bổ sung nội dung giao trách nhiệm cho Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, Tòa án đã ra quyết định giám đốc thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp, nếu bản án, quyết định đã được thi hành xong. 
Đồng thời, để khuyến khích các bên đương sự lựa chọn phương án thỏa thuận cho phù hợp với nguyện vọng của họ; tạo căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan THADS tổ chức thi hành lại vụ việc, tránh khiếu nại, tố cáo của đương sự, Dự án Luật quy định cụ thể hướng giải quyết trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong. 
Hướng giải quyết được xác định: Nếu các bên thỏa thuận được về việc hoàn trả tài sản, phục hồi quyền tài sản mà không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận đó. 
Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại mà chưa thi hành thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được thi hành một phần hay toàn bộ thì khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại, Tòa án phải quyết định về việc hoàn trả tài sản, phục hồi quyền tài sản của đương sự trên cơ sở kết quả THADS đã thực hiện.
Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Tòa án xem xét việc đối trừ và xử lý kết quả của việc thi hành bản án, quyết định đã được thi hành và nếu các bên thỏa thuận được về việc hoàn trả tài sản, phục hồi quyền tài sản mà không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận đó.

Đọc thêm