"Robinson" ngoài đảo hoang và ông Vua trại cò

Nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, Cù lao Long Phước, quận 9, TP.HCM được bao bọc chằng chịt bởi những dòng kênh tẻ ra từ các nhánh của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nơi đây, tưởng như là một thế giới riêng dành cho chim muông và các loài thực vật. Thế nhưng, hơn 35 năm qua có một Robinson cần mẫn tự gắn đời mình trên cù lao không một bóng người này…

Nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, Cù lao Long Phước, quận 9, TP.HCM được bao bọc chằng chịt bởi những dòng kênh tẻ ra từ các nhánh của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nơi đây, tưởng như là một thế giới riêng dành cho chim muông và các loài thực vật. Thế nhưng, hơn 35 năm qua có một Robinson cần mẫn tự gắn đời mình trên cù lao không một bóng người này… 

“Robinson” dù không còn sức lao động nữa như vẫn không chịu rời bỏ hòn đảo.
“Robinson” dù không còn sức lao động nữa như vẫn không chịu rời bỏ hòn đảo.

Vẫn biết người ta gọi ông là Robinson hay ông lão chăn bò nhưng ông không hề phản ứng gì. Nửa đời người gắn bó bên cù lao với bao nhiêu biến cố, cay đắng khiến ông trở nên dạn dày với thời gian.

Robinson Việt…

Tôi nghe đến danh người đàn ông chăn bò cho gia đình ông Hồng Kí đã lâu. Những ngày này, ông Kí rất bận rộn cho công việc miệt vườn nên tôi phải hẹn vài lần mới gặp được người chủ nhân vườn cò nổi tiếng khắp Thành phố này. Vào khoảng thời gian sắp tàn của một ngày, ông Kí bảo những người làm đưa tôi qua bên cù lao phía trước mặt vườn cò.

Trên chiếc thuyền chòng chành chạy bằng động cơ máy nổ, bốn người nhà ông Kí cùng tôi rẽ sóng, vượt qua những dải lục bình xanh mướt nằm án ngữ giữa sông hướng về phía hòn đảo nơi có “Robinson”.

Cảm giác được tận hưởng bầu không khí trong lành khi thuyền trôi nhẹ trên sông, được ngắm đôi cánh cò vội vã chao liệng trên bầu trời tìm về tổ ấm và đâu đây tôi nghe được cả tiếng côn trùng rỉ rả ăn đêm. Cách Trung tâm Thành phố chưa đầy 15km, vậy mà nơi đây, tại cù lao này những người đi viết như tôi cảm nhận được trọn vẹn sự yên bình, thanh thản.

Một khoảng thời gian quý hiếm cho con người tìm lại chính mình khi những bon chen, xô bồ của cuộc sống bên ngoài chợt lắng lại. Thuyền đáp vào cù lao. Những dải đất bồi dần hiện ra, một đàn chó thấy người chạy ra vừa mừng vừa sủa đánh tan bầu không khí u tịch của hòn đảo. Ông Hai dẫn tôi đi men theo con đường là bờ ao được đắp để ngăn ra thả cá. Tôi vừa đi vừa dáo dác phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ diện tích cù lao.

Cánh đây mấy mươi năm về trước, đây còn là vùng đất hoang hóa chỉ có cỏ dại và lục bình. Vậy mà qua bàn tay con người, bỗng chốc biến thành những ao cá đầy ắp, những vườn trái cây trù phú tốt tươi quanh năm. Mồ hôi, nước mắt quả không phụ công người. Từ những năm 80, cù lao này đã được con người xắn tay vào khai hoang, lập trang trại và biến nó thành đất vườn, đất thổ cư luôn luôn có hơi người.

Cũng vào khoảng thời gian đó, một người đàn ông tuổi trung niên tên Nguyễn Hoàng Lẫm tới xin làm. Ông Kí nhận và đưa ông Lẫm qua bên Cù lao chăn bò. Cuộc sống “Robinson” của ông Lẫm bắt đầu từ đó. Hằng ngày, ông lùa đàn bò hơn 30 chục con đi chăn tối đến lại lùa về chuồng. Tại cù lao, ông chăn bò sống trong một ngôi nhà xây kín cửa khá rộng. Một mình ông tha hồ sinh hoạt và ăn ở.

Cứ cuối tuần, người ở phía đất liền lại mang đồ ăn thức uống sang tiếp tế cho ông. Ông thanh thản sống năm này qua năm khác mà không đồi hỏi một điều gì. Sinh thời, ông quê ở Cần Giờ, cách cù lao Long Phước chừng 60 cây số. Ngày đó, ông cũng có một gia đình, hai bà vợ và 5 đứa con.

Thế rồi vào năm 1977, trong một lần đi nhậu với bạn bè về, xích mích với vợ con nên xẩy ra xô xát. Ông chặt đứt hai ngón tay để thề để hứa gì đó ông cũng không nhớ nổi vì lúc ấy ma men đang ở trong người rồi ông bỏ xứ đi luôn. Ông tha phương một vài nơi rồi tới cù lao bây giờ.

Từ khi đến Cù lao, ông ở đó luôn không muốn về nhà nữa. Những dịp giỗ cha mẹ, ông mới xin ông Hai Kí cho về ít ngày rồi lại khăn gói lên. Nếu như xưa kia, ở bên kia bán cầu, anh chàng thủy thủ Robinsơn lưu lạc trên đảo hoang 28 năm thì nay ông hai Lẫm không phải lưu lạc trên đảo hoang mà là ông tự nguyện. Người ta cho về ông cũng không chịu. Thời gian ông ở trên đảo còn hơn cả Robinson.

Năm nay 71 tuổi, ông hai Lẫm đã yếu nhiều, mắt mờ, tai lãng và đôi chân tập tễnh bước thấp bước cao trên những con đường uốn lượn . Gần một năm nay, ông không còn chăn bò được nữa vậy mà vẫn không chịu về quê cho con cháu chăm sóc.

Trong gian bếp ẩm thấp, ông một mình cúi mặt ăn hết một tô cơm to. Thấy người tới, ông lấy cây chống lên loạng choạng bước ra ngoài. Tôi hỏi, ông yếu thế này rồi sao còn ở đây? Chẳng may trúng gió hoặc bị té ngã không có ai biết thì nguy.

Ông lẩm bẩm trong miệng những tiếng khó nhọc vì răng chẳng còn nữa: “ Không muốn về đâu, ở đây quen rồi”. Rồi ông chỉ xuống dưới chân bảo: “Vừa bị ngã nè, chân đau lắm”. Tôi nhìn xuống đôi chân khập khiểng bên to bên nhỏ của ông và thấy được những chỗ sưng tấy, phù nề. Đôi chân mà nửa đời người, ông đạp đất, đạp cây trên hòn đảo vắng bóng người làm bạn với đàn bò và những chú chó.

Vườn cò.
Vườn cò.

…và Vua trại cò

Nhân vật mà tôi đã đề cập ở  phần trên, đó là ông Nguyễn Văn Kí, chủ nhân khu du lịch sinh thái Hồng Kí và cũng là người chủ, người bạn của ông lão chăn bò bên kia hòn đảo. Hai ông bằng tuổi nhau, nhưng ông hai Kí trông còn trẻ và phong trần hơn nhiều. Ông Kí cho biết, từ khi ông Lẫm không chăn bò được nữa, ông phải bán đàn bò đi thay vào đó là đàn trâu và thuê người khác chăn. Còn ông Lẫm nếu muốn ở đây, ông sẽ nuôi đến hết đời.

Là chủ nhân của vườn cò thiên nhiên rộng hơn 2 ha và cả một cù lao Long Phước diên tích 8 ha nhưng ông vẫn là một nông dân thực thụ. Mình trần, chân đất là hình ảnh người ta thường thấy ông trong khu vườn nổi tiếng. Ông tâm sự, đời ông có nhiều cái nhất lắm.

Ngày xưa, ông thuộc hạng nghèo nhất phường, đông con nhất (11 người con) và ngày nay thì ông lại trở thành người nhiều đất nhất phường còn giàu có thì ông lại rất mực khiêm tốn: “ Chỉ đủ ăn và lo được cho các con ăn học nên người thôi”.

Cuộc đời ông hai Kí trải qua nhiều thăng trầm, biến cố đã tạo cho ông một sự dẻo dai, bền bỉ mà ít người sánh được. Ông nói, dù mình có bao nhiêu đất, mình có nhiều của cải nhưng mình vẫn chỉ là một nông dân mà thôi. Và ông đang tự hào vì mình đang là một nông dân làm kinh tế giỏi.

Tin lành đồn xa, nhiều người tìm đến ông mong một công việc làm, cho ông một đứa con nuôi… Ông giang rộng vòng tay đón chúng vào lòng mặc dù ông nào có ít con. Những đứa trẻ nhận nuôi, chúng gọi vợ chồng ông là ông bà ngoại. Một số trưởng thành đã lập gia đình còn số nữa thì vẫn còn đi học. Ông làm từ thiện  vô cùng vô tận như thế nhưng lại ít người biết. Người ta biết đến ông từ vườn cò thiên nhiên tuyệt đẹp.

Trên diện tích đất vườn rợp bóng dừa xanh, cò từ đâu kéo về trú ngụ đông đến vài nghìn con. Lúc đầu, nhiều người tò mò tới xem rồi nảy sinh ý định đánh săn bắt. Ông  phải đau đầu giải thích và thuyết phục. Ông dùng tình cảm để cảm hóa họ: “ Tôi nói với họ nếu muốn ăn thì tới đây, tui cho con gà, con vịt mà ăn. Muốn nhậu tui cho bia mà nhậu chứ đừng bắn cò, tội nghiệp chúng. Đất lành chim đậu mà. Mình bắn cò chỉ được vài lần, chúng sợ, chúng bỏ đi hết hóa ra mình đuổi chúng”.

Thời gian này, cò đi đẻ trứng và ấp nở ở Cần Giờ, đến độ Tháng Sáu trở đi, cò lại kéo về đậu trắng trên những ngọn dừa trong khu vườn nhà ông Kí. Tận dụng lợi thế, ông  mở khu du lịch sinh thái Vườn cò cho khách tới chiêm ngưỡng một kiệt tác của thiên nhiên ngay trong lòng Thành phố.

Hoa Nguyên

Đọc thêm