Mỗi ngày ăn tiêu không quá 10 ngàn
Chúng tôi tìm đến nhà ông Giáo vào một buổi chiều muộn. Trong căn nhà chật chội, không có gì đáng giá là hình ảnh một cụ bà có thân hình nhỏ thó, gầy gò, gương mặt hốc hác nằm trên chiếc giường cũ.
Đôi lúc cụ lại trở mình, ho sù sụ. Đó là cụ Hồ Thị Lan Anh (88 tuổi, mẹ ông Giáo). Ngồi bên cạnh, người con trai mù cả hai mắt đang loay hoay mò mẫm dọn dẹp lại mấy chiếc ghế cũ.
Thế nhưng điều chúng tôi bất ngờ là khi bước vào căn nhà sàn nhà xi măng được lau rất sạch sẽ. Căn nhà dù tuềnh toàng, trống trải bởi không có những tiện nghi dù tối thiểu nhưng rất gọn gàng. “Đều do tôi dọn dẹp cả đấy. Tôi lấy giẻ lau ngồi xổm mà lau, lần mò xếp dọn mọi thứ trong nhà cho gọn gàng”, ông Giáo nói.
Nói rồi, ông Giáo lấy hai tay lần mò rót cho khách ly nước. Ông Giáo kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khốn khó của gia đình mình. Xen lẫn trong câu chuyện là những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của người mẹ già và ánh mắt đượm buồn của ông Giáo.
Theo lời ông Giáo, năm 14 tuổi, mắt ông mờ dần. Thấy mắt của ông có nguy cơ mù lòa, cha mẹ ông chạy vạy khắp nơi lo chữa bệnh cho ông. Nhưng dù cha mẹ bán xới nhà cửa, chạy chữa từ nơi này đến nơi khác, từ thuốc Đông y đến Tây y nhưng bệnh tình ngày một nặng. Một năm sau, hai mắt ông Giáo mù vĩnh viễn. Từ đó đến nay, ông chỉ biết một màu đen kịt trước mắt mình.
Cách đây 23 năm, cha ông qua đời. Từ đó, cụ Anh tần tảo mưu sinh, mẹ con rau cháo qua ngày. Đỡ đần mẹ, ông Giáo dành phần giặt giũ quần áo và lau dọn nhà cửa để mẹ đi kiếm tiền, nấu cơm. Nhưng từ 3 trước, cụ Anh tuổi cao sức yếu, không lo nổi việc bếp núc, ông phải tập nấu cơm, nấu thức ăn hàng ngày.
Hơn 3 năm nay, cụ Anh nằm một chỗ và được người con trai mù lòa chăm sóc. |
“Những ngày đầu nấu cơm, tôi nấu bữa nào cũng vừa sống vừa khê, mẹ ăn không được. Đến giờ, có khi tôi nấu còn bữa sống, bữa nhão nhưng phải nấu chứ có ai đâu mà nhờ. Làm cá thì nhờ mấy đứa cháu hàng xóm làm giúp. Mấy hôm mẹ đau nặng, tôi nằm dưới đất cạnh mẹ vì sợ mẹ rớt xuống giường. Rồi lần mò lo vệ sinh cá nhân cho mẹ”, ông Giáo tâm sự.
Nói rồi, ông bảo: “Hồi chưa có nhà vệ sinh, tôi dò dẫm đi đổ bô cho mẹ, đào xới lung tung cả lên đến mức hàng xóm dù rất cảm thông cho hoàn cảnh hai mẹ con cũng phải lên tiếng. Nhưng nhờ vậy mà cách đây hơn 2 tháng, người ta hỗ trợ xây cho được cái nhà tắm, nhà vệ sinh bệt nên chuyện vệ sinh cũng được sạch sẽ”.
Ngồi trò chuyện, ông Giáo bảo với chúng tôi, mẹ con ông không có tiền nên chắt chiu từng đồng. Mỗi ngày đi chợ không dám chi quá mười ngàn đồng. “Mới sáng nay, tôi gửi người ta đi chợ mua mấy ngàn thịt mỡ, kho lên rồi lấy đó chấm rau.
Vậy là tốt rồi, chứ có hôm chỉ giã muối hột mà ăn. Hàng tháng nhà nước hỗ trợ cho hai mẹ con được 540 ngàn nhưng cũng phải dè dặt, để tiền mua cái gì đó bồi dưỡng cho mẹ lúc đau bệnh”, ông Giáo bộc bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Giáo có người chị gái ruột ở tỉnh Gia Lai nhưng gia cảnh cũng cùng cực không kém nên không giúp đỡ được gì cho mẹ con ông. “Hoàn cảnh của chị ấy ngặt nghèo lắm. Chồng bị liệt, con bị thần kinh thì làm sao mà lo cho mình được. Mà tôi cũng chẳng nạnh hẹ gì. Lo cho mẹ là trách nhiệm của tôi. Ngày xưa còn nhỏ, mẹ chăm tôi đến thế kia mà”, ông Giáo thổ lộ.
Chúng tôi hỏi, sao lúc trước ông không lấy vợ? Ông Giáo lắc đầu tự ti: “Người mù lòa như tôi thì ai ưng. Họ ưng về để khổ cả đời à. Mình nghèo lại bệnh tật thì phải chấp nhận số phận thôi”.
Nói rồi, ông bảo nghĩ số phận đã an bài cho mình như vậy nên khi còn trẻ có đi học bó chổi để kiếm cái nghề mưu sinh nhưng rồi vì mù lòa nên bó xấu quá không ai mua. “Cái nghề bó chổi dễ như thế tôi cũng không làm được thì biết làm được gì. Vậy nên chấp nhận với cuộc sống không nghề không nghiệp thôi chứ biết làm gì được”, ông Giáo bùi ngùi tâm sự.
“Lỡ mình đau bệnh thì lấy ai lo cho mẹ”
Nhắc đến mẹ, ông Giáo thở dài: “Tôi chỉ mong sao có được dăm, bảy triệu đồng để thuốc thang, bồi dưỡng cho mẹ mau khỏe. Mong thì mong thế chứ số tiền ấy cả đời tôi kiếm cũng không ra. Mấy hôm người ta cho chút tiền từ thiện được vài ba triệu, tôi để dành mua sữa, thức ăn về bồi dưỡng, mẹ đỡ lên nhiều”.
Nhìn cảnh nghèo, bệnh tật đeo bám, chúng tôi hỏi rồi nay mai sẽ sống ra sao? Ông Giáo bảo thì cứ sống, còn trời kêu lúc nào thì dạ lúc nấy. Nói rồi, ông bảo người ta vừa sửa chữa lại cái nhà sơ sơ nên chắc mưa này sẽ ổn hơn. “Ngặt nỗi mưa gió thế này, giặt giũ quần áo cho mẹ chắc tanh hôi. Tôi sợ làm phiền bà con hàng xóm”, ông Giáo bộc bạch.
Chứng kiến cảnh đời của hai mẹ con ông Giáo, bà Nguyễn Thị Thanh (hàng xóm) nói giọng buồn tủi: “Chẳng ai ở khu vực này khổ như hai mẹ con ông Giáo, bản thân mù lòa, lại nuôi mẹ bệnh tật ốm yếu. Nhiều lúc ông ấy không có lấy nổi nghìn lẻ mua thuốc cho mẹ. Nhìn cảnh ấy, ai cũng xót xa. Ở đây ai cũng biết ổng hiền như cục đất, cả đời không dám đụng chạm gì đến ai, vậy mà số phận lại ngặt nghèo đến thế”.
Nhìn cảnh đời khốn khó của ông Giáo, rất nhiều người hàng xóm xung quanh đã kêu gọi nhau quyên góp, ủng hộ để mẹ con ông có được cuộc sống ổn định hơn. Người có nhiều thì giúp vài ba trăm ngàn, người có ít thì giúp vài cân gạo, ký thịt, con cá. “Ở đây bà con cũng tốt bụng, giúp đỡ tôi lúc khó khăn. Tôi luôn biết ơn bà con. Bây giờ, tôi sợ nhất là lỡ mình đau bệnh thì lấy ai lo cho mẹ”, giọng ông Giáo trầm buồn.
Căn nhà của hai mẹ con ông Giáo. |
Ông Phạm Đình Trung, Trưởng khu vực 1, phường Nhơn Phú, cho biết: “Gia đình ông Giáo có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Bà con ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ cụ, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám không thoát ra được vì ông mù lòa, còn cụ Anh thì già yếu bệnh tật chỉ nằm một chỗ. Chính quyền nắm rất rõ hoàn cảnh của ông nên đã quan tâm giúp đỡ như cấp bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, thường xuyên thăm hỏi động viên”.
Đã bao năm nay, người dân ở khu vực 1 đã quen cảnh một người con trai mù, ngày ngày chăm sóc mẹ. Rồi những lần trái gió trở trời làm mẹ bệnh, người ta lại thấy người con ấy lần mò đi nhờ cậy hàng xóm đưa mẹ đến bệnh viện chữa trị.
Một hành động nhỏ của những tấm lòng hảo tâm cũng làm vơi đi sự khó khăn, làm ấm lòng và thắp lên niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp này của hai mẹ con ông Giáo.
Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ hai mẹ con ông Giáo, xin liên hệ ông Phạm Đình Giáo (ở tổ 1, khu vực 1, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), số điện thoại: 0163.6492.101.