Gần 30 năm chăm con ngây dại
Năm 1975, mới cưới vợ chưa đầy hai năm, ông Hà Ngọc Phước (SN 1954, ngụ xóm 3, xã Khánh Sơn 1, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) xung phong nhập ngũ. Gần 7 năm xông pha ngoài chiến trận, ông Phước đã đến nhiều vùng chiến ác liệt như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Lào. Trong những năm tháng ấy, người lính đã nhiễm chất độc chết người dioxin.
Thời điểm chồng ở quân ngũ, bà Phạm Thị Phước (SN 1951) ở nhà vừa chăm lo gia đình, vừa tham gia dân công hỏa tuyến. Vợ chồng chỉ được gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi ông Phước được về phép.
Năm 1982, ông Phước giải ngũ, trở về đoàn tụ cùng vợ con với chế độ thương binh 4/4. “Về quê chứng kiến nhà cửa lụp xụp, vợ con khổ cực, nheo nhóc, tôi xót xa vô cùng. Thời đó, tại ngôi làng này, nhà tôi thuộc dạng đói khổ nhất, thiếu ăn triền miên”, ông Phước nhớ lại.
Dù trên người còn nhiều vết thương, sức khỏe sút, nhưng ông đã lao vào làm việc, phát triển kinh tế. Không những canh tác trên phần đất của gia đình mình, ông còn mạnh dạn khoán thêm đất đồi để trồng cam, chanh. Cuộc sống gia đình bắt đầu bớt khổ khi có thêm bàn tay của người trụ cột.
Tuy nhiên, nỗi bất hạnh ập xuống khi hai người con của ông bị ảnh hưởng chất độc màu da cam dioxin. Nhìn hai anh em Hà Ngọc Ý (SN 1990) và Hà Thị Thơ (SN 1993) đang nằm ôm nhau trong vô thức, trên chiếc chõng tre ở góc nhà, người cựu binh rơi nước mắt.
Ông nghẹn ngào: “27 năm qua, vợ chồng tôi chưa bao giờ được nghe hai đứa chúng nó gọi bố mẹ. Bằng tuổi chúng nó, người ta đã có gia đình, con cái rồi, nhưng hai anh em nó chỉ biết nằm một chỗ. Đến việc ăn uống, vệ sinh cũng cần người khác làm giúp”.
Theo lời ông, lúc mới sinh ra, vợ chồng ông không thấy dấu hiệu gì bất thường ở hai đứa con. Chỉ đến khi gần hai tuổi mà không thấy con tập đi, tập nói, họ mới hốt hoảng mang đến bệnh viện thăm khám. Sau hàng loạt các xét nghiệm, hai ông bà chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo: Cháu Ý đã nhiễm chất độc da cam.
Dù bệnh viện khuyên nên đưa về vì đó là bệnh vô phương cứu chữa, nhưng vẫn hi vọng một phép màu sẽ đến nên hai vợ chồng vẫn đưa con ra Hà Nội điều trị. Hơn nửa năm trời ăn nằm tại các bệnh viện đã cuốn đi tất cả tài sản có giá trị trong ngôi nhà ấy. Nhưng, cuối cùng họ đành bất lực ôm con về trong nước mắt.
Hơn một năm sau, vợ chồng ông sinh thêm người con nữa, những mong có người con trai lành lặn. Tuy nhiên, cháu Thơ ra đời cũng chung hoàn cảnh như anh trai. Bệnh tình của Thơ còn nặng hơn anh. Nếu như lúc trước Ý còn có thể đứng lên, ngồi dậy được, thì em gái chỉ biết nằm một chỗ từ lúc lọt lòng khiến cho việc chăm sóc càng khó khăn.
Ông Phước rơi nước mắt nói: “Hai anh em nó ngờ ngệch, vô thức, không hề nhận biết được ai, kể cả bố mẹ. Khi nào đói bụng hay lên cơn đau, các em ú ớ lên như vẻ cầu cứu, còn bình thường đặt đâu thì nằm đó”.
Những lúc lên cơn, cả Ý lẫn Thơ đều quằn quại, vật lộn không ai có thể giữ được. Vì thế, việc hai anh em bị rơi từ trên chõng xuống nền nhà xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Chưa hết, nhiều khi hai anh em còn tự cắn vào tay chân của mình đến chảy máu, bầm tím.
Thương con, vợ chồng ông Phước nghĩ ra cách đóng cũi gỗ, đặt 2 đứa con nằm trong đó, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn. Lúc lên cơn, hai anh em Ý, Thơ ra sức cắn phá những thanh gỗ đến gãy răng, nhai ngấu nghiến rồi nuốt và cười trong vô thức. Nhiều hôm nhặt được cái gì, hay nắm được vật gì trong tay, kể cả thanh gỗ hay con gà, Ý và Thơ lại đưa vào miệng nhai ngấu nghiến.
Từ khi các con trưởng thành, công việc chăm sóc của vợ chồng ông Phước càng vất vả hơn. Ngày đi làm đồng ruộng, đến chiều tối về, vợ chồng ông phải thay nhau tắm rửa, đút cơm cho từng đứa con. Những công việc không tên ấy đã lấy đi sức lực, thời gian của người cựu chiến binh.
Nhưng với ông, khổ nhất là những khi các con lên cơn điên trong đêm. Lúc đó, ông phải dùng hết sức mình ôm các con lại. Thậm chí, nhiều khi còn phải tự thí cánh tay mình cho con cắn để hai anh em không còn đập phá.
Hai anh em Ý, Thơ không nhận biết được cả cha mẹ |
Thêm nỗi đau vợ tai biến liệt giường
Khi cuộc sống đang vô vàn khó khăn thì tai họa tiếp tục ập xuống gia đình này. Ngày 6/8/2014, bà Phước bất ngờ đột quỵ, sau thời gian dài chịu đựng mệt mỏi trong người.
“Sáng hôm ấy bà nhà tôi đi chợ như mọi hôm. Về đến đầu ngõ, vợ tôi dừng lại nói chuyện với hàng xóm thì bất thình lĩnh ngã lăn xuống đất. Rất may có người phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu, nếu muộn một chút thì…”, ông Phước rưng rưng nhớ lại.
Dù được đưa ngay đến bệnh viện, nhưng bà Phước bị tai biến mạch máu não, khả năng phục hồi rất khó. Ông Phước kể chuyện, nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An hơn nửa tháng, vợ ông được chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền. Để có tiền chữa bệnh cho vợ, ông phải bán non hai con bò, vườn chanh, nhưng chừng đó cũng không đủ cho lộ trình điều trị dài ngày.
Bế tắc, gia đình ông còn phải vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng. Hơn một năm sau, nhờ việc can thiệp kịp thời của y học, sự chăm sóc tận tình của người thân, sức khỏe bà Phước có tiến triển hơn chút ít. Bà được đưa về nhà sống cảnh liệt nửa người.
Từ ngày vợ lâm cơn bạo bệnh, hàng trăm công việc lớn nhỏ đều đổ dồn lên đôi vai người cựu binh. Bao nhiêu năm xông pha ngoài chiến trận cũng không sánh bằng nỗi khó nhọc, vất vả mà ông đang phải gánh chịu. Ông kể, mỗi ngày bản thân thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị cơm nước cho vợ và hai đứa con. Đút cơm cho vợ, hai con xong, mới đến lượt ông ăn.
Mấy tháng trở lại đây, bà Phước có thể tự xúc ăn được nên ông đỡ vất vả phần nào. Nhưng riêng với hai đứa con thì từ khi chào đời đến nay đều sống như người thực vật. Ông Phước phải xúc từng thìa cơm đút cho hai anh em.
“Mùa hè còn đỡ, mùa đông đến, việc vệ sinh cá nhân khó khăn hơn nên trong nhà bốc mùi khó chịu lắm. Tôi liên tục lau chùi nhà mà vẫn không khử được. Nhiều khi đi làm về mệt mỏi trong người, muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi lại nghĩ dù sao đó cũng là máu mủ của mình, tôi không đành”, ông tâm sự.
Nhìn hai đứa con ngây ngô và người vợ bạo bệnh, ông Phước nghèn ngẹn: “Giờ tôi còn khỏe, có thể chăm sóc được cho ba mẹ con. Tôi chỉ lo, lỡ tôi đau ốm, nằm xuống ai sẽ là người chăm sóc vợ và hai đứa con tội nghiệp. Những đứa con lớn của tôi đã lập gia đình, tuy nhiên vì cuộc sống vùng quê nghèo đói nên cũng không giúp được gì. Chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng tôi lai ngổn ngang lo lắng”.
Trời đứng bóng, người đàn ông khoác trên mình màu áo lính tất bật vào nấu cơm cho gia đình. Chốc chốc, hai đứa con ú ớ, ông lại phải bỏ dở công việc chạy ra trông chừng. Người vợ gương mặt hốc hác ngồi trên giường nhìn bất định ra ngoài. Bao giờ nỗi cơ cực mới vơi bớt cho những phận người trong ngôi nhà ấy?