Nếu muốn lật đổ chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu, phe đối lập phải có 233 phiếu thuận, tương đương 50% số nghị sỹ tại Quốc hội.
Quyết tâm của Tổng thống
Mặc dù Thủ tướng Sorin Grindeanu đã hủy bỏ 2 sắc lệnh gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc miễn truy tố và trả tự do cho một số chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước, nhưng Tổng thống Klaus Iohannis vẫn chỉ trích chính phủ chưa nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đang làm "rúng động" Romania. Bởi theo ông Klaus Iohannis, việc chính phủ hủy bỏ 2 sắc lệnh kể trên và dự kiến sa thải một thành viên nội các là chưa đủ.
Trước đó, Tổng thống Klaus Iohannis đã kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về 2 sắc lệnh ân xá do Thủ tướng Sorin Grindeanu đưa ra, nhưng không xin chữ ký của ông. Và vả 2 sắc lệnh này đều vấp phải sự phản đối của Tổng thống Klaus Iohannis và nhiều quan chức cấp cao bởi trong những đối tượng ân xá có cả các chính trị gia tham nhũng đã thụ án 5 năm.
“Đây là mâu thuẫn về pháp lý giữa chính phủ với hệ thống tòa án và quốc hội”, Tổng thống Klaus Iohannis tuyên bố khi phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2-2, và cho biết đã nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp về 2 sắc lệnh kể trên của chính phủ. Đồng thời kêu gọi Thủ tướng Sorin Grindeanu hủy bỏ sắc lệnh được thông qua hôm 31-1.
Ông Klaus Iohannis đã tham gia cuộc tuần hành của 15.000 người sau khi ông Sorin Grindeanu công bố 2 sắc lệnh gây tranh cãi hôm 18-1. Ngày 23-1, Tổng thống Klaus Iohannis còn kêu gọi trưng cầu ý dân về 2 sắc lệnh ân xá của Thủ tướng Sorin Grindeanu, nhưng không cần chữ ký của ông.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Klaus Iohannis đã phản đối sắc lệnh của tân Thủ tướng vì cho rằng, việc sửa đổi luật để phóng thích hàng chục, thậm chí hàng trăm chính trị gia là không thể chấp nhận. Giới chức tư pháp hàng đầu Romania và một số tổ chức phi chính phủ ở nước này cũng phản đối 2 sắc lệnh ân xá của Thủ tướng Sorin Grindeanu.
Hơn 1 tháng trước (4-1), tân chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu tuyên thệ nhậm chức, chính thức khép lại cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một năm ở Romania. Phát biểu tại buổi lễ hôm 4-1, Tổng thống Klaus Iohannis kêu gọi tân nội các phải thực hiện những lời hứa khi tranh cử, cũng như thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý nền kinh tế và các nguồn tài chính công.
Nhiều nước phương Tây và Mỹ đã chỉ trích quyết định của Thủ tướng Sorin Grindeanu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ "mối quan ngại lớn" với tình hình tại nước này. Và trong một tuyên bố chung công bố vừa qua, Mỹ, Đức, Canada, Phần Lan, Hà Lan và Pháp đều cho rằng, chính phủ Romania đã làm suy yếu "tiến bộ về pháp trị và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng suốt 10 năm qua''.
Biểu tình tại Thủ đô Bucharest phản đối 2 sắc lệnh của Thủ tướng |
Và một lần nữa, Tổng thống Klaus Iohannis lại đấu với Thủ tướng bởi trước đó ông từng yêu cầu Thủ tướng Victor Ponta phải từ chức ngay sau khi các công tố viên quyết định mở cuộc điều tra hình sự hôm 5-6-2015.
Giới truyền thông đưa tin, ông Victor Ponta đã ra đi sau khi bị cơ quan điều tra chống tham nhũng thuộc Viện Công tố Romania (DNA) cáo buộc phạm các tội như gian lận, trốn thuế và rửa tiền, trong đó có vụ nhận 55.000 euro. Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Olteanu bị bắt vì nhận hối lộ 1,1 triệu USD khi đang là Chủ tịch Quốc hội.
Sự “xuống thang” của Thủ tướng
Ngày 6-2, Kênh truyền hình Digi24 TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, họ đã hủy kế hoạch soạn thảo dự luật để sửa đổi Bộ luật Hình sự của nước này. Theo đó, Bộ Tư pháp không soạn thảo dự luật để thay đổi và sửa đổi Bộ luật Hình sự số 286/2009 và Bộ luật Tố tụng hình sự số 135/2010.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Florin Iordache tuyên bố, việc Chính phủ thông qua 2 sắc lệnh gây tranh cãi kể trên là để phù hợp với những quyết định của Tòa án Hiến pháp. Cùng ngày 6-2, lãnh đạo liên minh trung tả cầm quyền tuyên bố, chính phủ sẽ không từ chức sau các biểu tình rầm rộ trên cả nước.
Lãnh đạo đảng PSD Liviu Dragnea bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và Thủ tướng Sorin Grindeanu. Ông Liviu Dragnea đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền, với số tiền khoảng 24.000 euro, và vì có liên quan đến án phạt gian lận phiếu bầu hồi tháng 4-2016, nên lãnh đạo đảng PSD bị cấm đảm trách ghế Thủ tướng.
Ngày 4-2, trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Sorin Grindeanu phải tuyên bố, sẽ hủy sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho số chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước. Thủ tướng Sorin Grindeanu cho biết, chính phủ quyết định họp hôm 5-2 để bãi bỏ 2 sắc lệnh kể trên bởi ông không muốn đất nước bị chia rẽ vì vấn đề này.
"Ngày mai (5-2) chúng tôi sẽ tổ chức họp nội các để bãi bỏ nghị định này. Tôi không muốn chia rẽ Romania. Romania không thể bị chia đôi”, Thủ tướng Sorin Grindeanu đã tuyên bố như vậy khi phát biểu trên truyền hình tối 4-2. Thủ tướng Sorin Grindeanu tuyên bố, chính phủ của ông phải có trách nhiệm đối với người dân đã tin tưởng bỏ phiếu bầu cho họ, nên không thể từ chức.
Giới truyền thông cho rằng, việc hủy bỏ 2 sắc lệnh gây tranh cãi được coi là sự nhượng bộ của Thủ tướng Sorin Grindeanu trước phản ứng gay gắt của dư luận. Bởi quyết định hôm 31-1 của Thủ tướng Sorin Grindeanu đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại bởi sẽ dựng rào cản lớn đối với cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania, vốn là “vấn nạn” nhức nhối tại quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu |
Theo thống kê, mấy năm qua, Romania đã bắt hàng chục quan chức chính phủ cùng những doanh nhân có liên quan tới tham nhũng, đưa ra xét xử 1 cựu thủ tướng, 5 bộ trưởng, 16 hạ nghị sỹ và 5 thượng nghị sỹ. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn cáo buộc gần 2.000 người lạm dụng chức quyền trong giai đoạn 2014-2016.
Những cuộc biểu tình lớn
Theo giới truyền thông, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở Romania, nhiều người tuyên bố sẽ không dừng hoạt động này cho đến khi chính phủ từ chức. Tối 5-2, khoảng 500.000 người đã đổ xuống đường trên khắp đất nước Romania để phản đối 2 sắc lệnh kể trên, và đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất trong gần 30 năm qua tại Romania.
Được biết, khoảng 200.000-300.000 người biểu tình ở thủ đô Bucharest, 40.000 người tại thành phố Timisoara, 45.000 người ở thành phố Cluj-Napoca và một số thành phố và thị trấn khác. Trước đó (3-2), hàng trăm nghìn người lại xuống đường để phản đối việc chính phủ và nhiều người tuyên bố, sẽ biểu tình đến ngày 10-2, thời điểm sắc lệnh có hiệu lực (theo dự kiến ban đầu). Người biểu tình cáo buộc chính phủ đang ngấm ngầm “hợp pháp hóa tội tham nhũng”, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia biểu tình mỗi đêm.
Theo giới truyền thông, cuộc biểu tình có quy mô lớn (có xô xát giữa người biểu tình - ném chai lọ, pháo và gạch đá, với lực lượng cảnh sát - phóng lựu đạn cay) đã diễn ra hôm 1-2 tại thủ đô Bucharest, để phản đối sắc lệnh miễn truy tố những quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước được tân Thủ tướng Sorin Grindeanu thông qua hôm 31-1.
Bởi với sắc lệnh này, lãnh đạo đảng PSD Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền sẽ được miễn truy tố, bất chấp việc số tiền bị thất thoát khoảng 24.000 euro. Ngoài ra, Chính phủ còn ký sắc lệnh ân xá cho các đối tượng đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực. Trước đó (29-1), khoảng 40.000 người đã biểu tình, sau khi Thủ tướng Sorin Grindeanu muốn quốc hội thông qua 2 sắc lệnh ân xá cho 2.500 tù nhân.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis |
Nội các của Thủ tướng Sorin Grindeanu gồm 2 Phó Thủ tướng, 26 Bộ trưởng, trong đó có 2 bộ do Phó Thủ tướng kiêm nhiệm. Trước lễ nhậm chức, nội các của ông Sorin Grindeanu giành được sự tín nhiệm khá cao của Quốc hội, khi được 295/428 nghị sĩ có mặt ủng hộ, cao hơn 30% so với mức đa số tối thiểu cần thiết tại cơ quan lập pháp nước này.
Theo giới truyền thông, tại cuộc tổng tuyển cử tháng 12-2016, PSD đã giành hơn 45% số phiếu, cùng với Liên minh Tự do Dân chủ (ALDE) chiếm đa số tuyệt đối 250 ghế trong Quốc hội 465 thành viên. PSD nhận được sự ủng hộ của cử tri khi cam kết tăng chi tiêu công cho các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế…