Rùng rợn: Săn người bạch tạng để làm bùa chú và độc dược

(PLO) -"Nỗi sợ hãi và mê tín dị đoan về người bạch tạng đã ăn sâu vào xã hội Tanzania", nữ nhiếp ảnh gia Hà Lan Marinka Masseus nói như vậy khi công bố những bức ảnh người bạch tạng sau chuyến thăm Tanzania mới đây. 
 
Edna Cedrick là đứa trẻ sống sót sau vụ tấn công kinh hoàng
Edna Cedrick là đứa trẻ sống sót sau vụ tấn công kinh hoàng

Bà Marinka Masseus muốn thông qua những bức ảnh để kêu gọi sự bình đẳng cho trẻ bạch tạng. 

Tội ác...

Theo bà Marinka Masseus, sự mê tín khiến không ít người dân châu Phi tin rằng, trẻ bị bạch tạng là những con ma mang lại may mắn và các bộ phận cơ thể của chúng được bán với giá cao. Do đó, số phận trẻ bạch tạng ở Tanzania thường bi thảm bởi chúng bị săn lùng, giết hại để làm bùa chú hoặc độc dược.

Theo thống kê, Tanzania là quốc gia có số vụ tấn công người bạch tạng cao nhất châu Phi - mỗi năm có trung bình 50 người bạch tạng bị săn lùng và giết chết. Ở Tanzania, cứ 1.400 người lại có một người mắc bệnh bạch tạng, thường là bẩm sinh, trong khi ở các nước phương Tây, tỷ lệ này chỉ là 1/20.000.

Được biết, chính quyền Tanzania đang cố gắng làm giảm ảnh hưởng của các phù thủy, lực lượng được cho đứng sau những vụ săn trẻ bạch tạng. Và những thay đổi trong cách đối xử với trẻ bạch tạng đang diễn ra ở Tanzania.

Gần 2 năm trước (trung tuần tháng 4/2015), tờ Daily Mail từng cho biết, nhiều vụ sát hại người bạch tạng đã diễn ra liên tiếp tại Malawi, Tanzania và Burundi. Thủ tướng Tanzania Mizengo Pinda từng cảnh báo và yêu cầu mọi người cảnh giác trước loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời cho phép bắt giữ bất kỳ ai nếu mang theo chân tay hoặc các bộ phận cơ thể của người bạch tạng.

Trước đó (14/1/2015), Chính phủ Tazania ra lệnh cấm phù thủy hành nghề nhằm hạn chế các cuộc tấn công người bạch tạng. Bộ trưởng Nội vụ Mathias Chikawe cho biết, Chính phủ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm, chuyên bắt và kết tội những kẻ lừa gạt cũng như phù thủy mê hoặc người dân rằng, bùa ngải sẽ làm cho họ trở nên giàu có.

Một trong những người bạch tạng bị truy sát
Một trong những người bạch tạng bị truy sát

...từ sự mê tín

Ở một số nước châu Phi, bộ phận cơ thể người bạch tạng được tin là mang đến sức khỏe và may mắn cho người sở hữu. Vì thế, những kẻ săn người bạch tạng đã tìm mọi cách tấn công, giết và lấy chi, nội tạng của họ, bán cho phù thủy. Hội chữ thập đỏ quốc tế từng cho biết, phù thủy có thể trả 75.000 USD cho một cơ thể đầy đủ của người bạch tạng.

Chân tay của người bạch tạng có thế bán với giá 3.000-4.000 USD. Những cuộc săn lùng người bạch tạng thường xuyên diễn ra bởi người ta cho rằng, cơ thể họ có “sức mạnh kỳ diệu”. Có kẻ còn cho rằng, cơ thể người bạch tạng là bùa chú mang lại may mắn, sự thịnh vượng, trường thọ và tình yêu.

Thậm chí còn có lời đồn, uống máu người bạch tạng sẽ có sức mạnh vô biên, sống tới trăm tuổi, làm ăn phát đạt. Phụ nữ bạch tạng luôn đối mặt với việc bị hiếp dâm vì quan niệm giao hợp với người bạch tạng có thể chữa bách bệnh, kể cả HIV/AIDS! Và vì mê tín, nhiều chính trị gia cũng tham gia vào các cuộc tấn công người bạch tạng để tìm bùa may mắn. 

Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) Muleya Mwananyanda cho rằng, những vụ giết người ghê rợn là lời nhắc nhở về mối nguy hiểm mà người bạch tạng đang phải đối mặt. Được biết, những vụ bắt cóc, sát hại người bạch tạng thường không được báo cáo chính xác hoặc không được điều tra.

Và những vụ tấn công xảy ra phổ biến tới mức người ta phải lập các trung tâm an toàn cho người bạch tạng để bảo vệ mạng sống của họ. Tuy đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhưng đang phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh chưa tìm ra được giải pháp dài hạn cho vấn nạn này.../. 

Hơn 2 năm trước (thượng tuần tháng 3-2015), 4 nghi phạm đã bị kết án tử hình vì tội sát hại một phụ nữ bạch tạng với mục đích lấy các chi bán để làm phép thuật. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Tazania Jakaya Kikwete lên án làn sóng thảm sát người bạch tạng.

Việc ông Salum Khalfani Bar'wani, người bạch tạng đầu tiên đắc cử nghị sĩ Tanzania (tháng 11-2010) được coi là một bước ngoặt tại quốc gia Đông Phi này, nơi vốn khét tiếng với những vụ sát hại người bạch tạng dã man.

Trước đó (năm 2008), bà Al-Shymaa Kway-Geer đã có mặt tại Quốc hội, nhưng chính trị gia bạch tạng này được Tổng thống Jakaya Kikwete chỉ định, không phải do dân bầu./. 

Đọc thêm