“Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”

(PLVN) - Cách đây 63 năm, ngày 31/3/1959, trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội sau hoà bình lập lại ở miền Bắc tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc Tổ quốc, Bác Hồ đã về thăm cán bộ, nhân dân huyện Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng). Đứng trước mênh mông biển đảo Tổ quốc, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ. Cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”.
Bác Hồ tại Ngày truyền thống ngành Thủy sản.
Bác Hồ tại Ngày truyền thống ngành Thủy sản.

Lời dạy của Bác khi ấy như thấm vào lòng biển bao la của Tổ quốc, nương theo làn gió mặn mãi mãi nhắc nhở đến lớp người kế thừa xây dựng nghề cá Việt Nam...

Phiến đá nơi Bác Hồ đặt chân lên đảo Cát Bà

Ngay trung tâm thị trấn Cát Bà, chúng ta sẽ thấy công trình phiến đá nguyên khối đánh dấu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt chân lên đảo Cát Bà vào ngày 31/3/1959. Phiến đá như một minh chứng lịch sử cho người dân đảo và du khách thế hệ ngày nay về sự kiện lịch sử này.

Đó là chuyến công tác trong hành trình thị sát vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc của Người. Theo đó, từ hướng Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, tàu đưa Bác đến hai huyện đảo là huyện Cát Bà và huyện Cát Hải. Tàu cặp bến Phố Hàn (khu vực cầu tàu thị trấn Cát Bà hiện nay-ngày đó thuộc huyện Cát Bà). Đây là cảng cá nên ngay trước cầu tàu là những gia đình làm đá đông lạnh để giữ cho cá tươi. Người dân ở đây kể lại, tại giá đặt máy xay nước đá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, để đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn….

Khi nói chuyện với nhân dân huyện đảo, đối với công nhân, Bác dặn: “Tiền đồ của cá nhân không thể tách rời tiền đồ của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp, của cách mạng, của Đảng. Nếu muốn tách rời tiền đồ của nhân dân thì chỉ có cách nhảy xuống biển, như người thuỷ thủ muốn rời khỏi con tàu”.

Đối với ngư dân, Bác khuyên: “Ngư dân phải khoẻ mạnh hơn nữa mới đi được biển... Nghề cá ở đảo rồi đây phải đưa máy móc vào. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”.

Đối với chiến sĩ, bác dặn đồng chí cán bộ Huyện đội: “Chú chuyển lời thăm hỏi sức khoẻ của Bác tới anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ở đây”.

Bác căn dặn chung đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đảo: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng. Rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ. Tất cả đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm chỉ học tập, xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá tốt hơn…”.

Tiếp tục hành trình, tàu đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bến Gót, thuộc xã Cao Minh (trước đây là một xã thuộc huyện Cát Hải, giữa năm 1978 xã Cao Minh đã di chuyển cả xã ra Cát Bà), do tàu không cặp sát bến Gót, Bác đã dùng thuyền nhỏ vào bờ. Bác có thăm, gặp gỡ một số gia đình ngư dân, nói chuyện với một số đại biểu cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện Cát Hải ngày đó trong căn nhà tập thể của Tập đoàn đánh cá Quảng Phú. Sau đó tàu đưa Bác Hồ trở về đất liền thuộc thành phố Hải Phòng trong cùng ngày.

Tháng 3/2009, nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Bà, sau một thời gian lựa chọn kỹ càng của các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực lịch sử, văn hóa của Việt Nam, khối đá tự nhiên có tuổi đời hàng trăm triệu năm ở Hà Sen (xã Trân Châu ngày nay, đoạn giữa Tùng Gốm và xóm Bến - Cát Hải) đã được đưa về quảng trường trung tâm du lịch Cát Bà, đặt đúng ở vị trí Bác đặt chân lên đảo năm xưa. Khối đá tự nhiên nặng 86 tấn, ở hai mặt có chạm bia đồng, mặt phía Tây Bắc ghi: “Nơi đây, ngày 31/3/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Làng cá Cát Bà”; mặt Đông Nam ghi lời căn dặn của Người: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”.

Sự kiện Bác Hồ về thăm huyện Cát Bà năm xưa được chọn là ngày truyền thống của huyện đảo Cát Hải. Và ngày 31/3 hàng năm là ngày tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Bà.

“Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường”

Ghi nhớ lời dạy của Bác, 63 năm qua, dù trong lửa đạn khốc liệt của chiến tranh, hay trước sóng gió, phong ba và thử thách cam go của cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cát Hải đã không ngừng khắc phục khó khăn, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm bảo vệ biển đảo quê hương, đồng thời từng bước xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Trong những năm kháng chiến gian khổ chống Pháp, đã có những chiến công đi vào lịch sử như trận Đá Phèng, Đồng Tép, Khoăn Cao với những tấm gương anh dũng, kiên trung như: Vũ Tiến Khuông, Phạm Thị Lan, Đỗ Thị Minh Hà...

Trong kháng chiến chống Mỹ, bằng truyền thống của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện đảo, quân dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, tổ chức đánh giặc gần 600 trận lớn nhỏ. Tàu chiến Mỹ đã bị bắn rơi, máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái Mỹ đã bị bắt sống gắn liền với tên tuổi như: Ngô Xuân Tòng đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt máy bay địch, Đoàn Hải Sầm cùng đồng đội bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên ở Hải Phòng, như Vũ Bá Phiệt kiên cường bám giữ trận địa trên núi cao…

Chiến công nối tiếp chiến công, lớp lớp thanh niên huyện đảo đã nô nức lên đường bằng tinh thần những người con của biển cả và sức mạnh truyền thống nghìn năm lịch sử của cha ông như anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Đức Thái, anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Thanh Loan, UVBTV Huyện đoàn liệt sĩ Bùi Văn Quang, liệt sĩ Hoàng Văn Hạnh, liệt sĩ Phạm Xuân Ba... đã góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 - mùa xuân đẹp nhất thế kỷ 20, góp phần tô đậm thêm truyền thống “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường” đã được Trung ương Đảng và Chính phủ trao tặng.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Cát Hải, Cát Bà đã có trên 1.971 thanh niên ra trận, có 368 người đã anh dũng hy sinh và 160 người đã để lại một phần xương máu của mình ngoài chiến trường vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Với những chiến công ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng Nhân dân huyện đảo 1.914 Huân chương, Huy chương các loại, 24 bà mẹ đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý - Mẹ Việt Nam anh hùng; 1.023 gia đình được Hội đồng Chính phủ tặng “Bảng vàng danh dự” và “Bảng gia đình vẻ vang”.

Sau chiến tranh, từ một huyện đảo xa đất liền, nghèo nàn, lạc hậu, nhiều khó khăn chồng chất, được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và thành phố, bằng trí tuệ và sự năng động, với tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã lãnh đạo chính quyền, các LLVT và Nhân dân toàn huyện xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm du lịch với thương hiệu “Cát Bà xanh” như ngày nay.

Và mong ngày được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới

Ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh cá vụ Nam của ngư dân huyện đảo. Ngày hội lớn ấy không thể thiếu cuộc thi đua thuyền rồng trên biển Cát Bà, giữa đội chủ nhà Cát Bà với các đoàn khách đến từ vùng Duyên Hải Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ, cùng những anh em từ vùng lúa Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên…

Cuộc đua thuyền rồng trên biển mang ý tưởng chủ đạo: Thuyền rồng từ biển Cát Bà vươn khơi trong thế rồng bay của đất nước, nối vòng tay bè bạn, thân ái với mọi miền tổ quốc. Đặc biệt tại Lễ hội làng cá Cát Bà, trong cuộc đua thuyền rồng, môn thi đấu trọng tâm của lễ hội có cuộc đua tài của các đấu thủ nữ trên cự ly dài 4000m, bên cạnh đường đua của nam giới là 6000m, trong khoảng thời gian 30 phút sôi nổi khẩn trương… Lễ hội truyền thống hàng năm diễn ra tại trung tâm huyện đảo Cát Hải, nơi có Cát Bà nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, nằm trong hành lang du lịch Hải Phòng - Đồ Sơn - Đình Vũ - Phù Long - Cát Bà.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khắc ghi trong lòng những người dân Cát Hải, phấn đấu xây dựng huyện đảo Cát Hải thành trung tâm du lịch - dịch vụ cảng biển -thủy sản” hiện đại, văn minh”.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng, thời gian qua, huyện Cát Hải tập trung phát triển ba mũi nhọn kinh tế đó là dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch dịch vụ, trong đó Cát Bà là trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch. Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường liên kết, chú trọng kết nối các tuyến, điểm tham quan giữa Vịnh Hạ Long với các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà sau khi Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên thiên thế giới…

Ngày Bác Hồ về thăm Cát Bà được chọn làm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam

Ngày 1/4 được chọn làm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam và khai mạc du lịch Cát Bà. Nơi Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là khu Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2009.

Cát Hải nổi tiếng với quần đảo Cát Bà và vịnh Lan Hạ. Nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà có diện tích gần 300km2, là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; với 366 hòn đảo lớn nhỏ, có vườn Quốc gia Cát Bà, có nhiều vịnh đẹp, được Thủ tướng Chính phủ công nhận vùng biển Cát Bà là khu bảo tồn biển của Việt Nam (năm 2003), quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004); được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2013). Huyện Cát Hải đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ để trình UNESCO công nhận “vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” là Di sản thiên nhiên thế giới.

Đọc thêm