Rước họa vì kiêng “xông đất” bệnh viện đầu năm

(PLO) - Từ lâu, nhiều người thường truyền tai nhau quan niệm tránh đi bệnh viện những ngày đầu năm mới bởi sẽ lo sợ cả năm sẽ gặp những chuyện xui xẻo, không may mắn. Với tâm lý đó nhiều người dù bệnh nặng nhưng không được cấp cứu kịp thời, điều này không những gây khó khăn trong quá trình điều trị mà có thể nguy hiểm cho tính mạng.
Việc cha mẹ kiêng kỵ ngày Tết khiến con trẻ dễ trở bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao. Ảnh minh họa.
Việc cha mẹ kiêng kỵ ngày Tết khiến con trẻ dễ trở bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao. Ảnh minh họa.

Gẫy chân nhưng chờ cho… hết Tết

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong bảy ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu (từ ngày 26 -1 đến ngày 1-2), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã tổ chức thường trực bốn cấp, thực hiện khám, cấp cứu cho 179.732 người bệnh. Các bệnh viện cũng thực hiện khám, cấp cứu do tai nạn giao thông cho 35.725 người bệnh (tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến một trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện).

Với tâm lý kiêng cữ không đi khám bệnh trong ngày đầu năm, nên phải đợi sang các ngày mùng 6, mùng 7 Tết nhiều người dân mới đổ dồn đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Mới 7 giờ sáng nhưng tại khoa chấn thương, chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 103 đã đông kín bệnh nhân chờ khám. Chị Trịnh Thị Thu (người nhà bệnh nhân) than thở: “Sáng mùng một Tết, cháu nhỏ bị ngã, gia đình nghĩ cháu chỉ trầy xước da bên ngoài, ngày đầu năm đến bệnh viện sẽ gặp nhiều điều không may nên thoa dầu. Qua 3 ngày nhưng cháu vẫn sốt miết, vết đau sưng mủ gia đình mới đưa cháu vào viện, tưởng bệnh xoàng ai dè qua chẩn đoán ban đầu các bác sĩ cho biết cháu bị giập nát xương chân nhưng người nhà không chữa trị kịp thời nên diễn biến bệnh nặng hơn”. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương tình hình khám bệnh cũng bắt đầu “nóng” trở lại. Hầu hết các bàn khám bệnh đều đông bệnh nhân chờ khám mặc dù bệnh viện đã bố trí khá nhiều y bác sĩ túc trực. Điều đáng nói, đa phần các cháu từ 2 - 4 tuổi, sức đề kháng yếu nhưng không được người nhà chăm sóc và xử trí bệnh ban đầu. Ngoài các bệnh cảm sốt thông thường, nhiều bệnh nguy hiểm khác như viêm thanh quản cấp, viêm phổi cấp, tai nạn thương tích, tiêu chảy cũng được tiếp nhận, xử lý nhiều.

Ghi nhận tại khoa Tiêu hóa, từ nguyên nhân thức ăn không đảm bảo vệ sinh, ăn uống không hợp lý trong 3 ngày Tết vừa qua đã khiến không ít trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy cấp. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa, sáng và chiều tối gió lạnh nhưng các cháu nhỏ không được giữ ấm tốt nên mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn nhiều, đồng thời nếu không cải thiện vệ sinh ăn uống trong những ngày sau Tết do thực phẩm dư thừa ngày Tết không được bảo quản, chế biến tốt mà vẫn sử dụng, tình hình mắc tiêu chảy cấp chắc chắn sẽ gia tăng.

Gia tăng bệnh nhân nặng

Tiếng còi cứu thương dồn dập, bệnh nhân cấp cứu liên tục nhập viện, tiếng máy thở hoạt động liên hồi, các bác sĩ liên tục làm các xét nghiệm, cho thuốc, điều chuyển bệnh nhân đã được sơ cứu lên các chuyên khoa phù hợp… Đó là một vài nét về không khí làm việc vất vả của đội ngũ các y, bác sĩ khoa Cấp cứu tại các bệnh viện sau dịp Tết Đinh Dậu 2017. Anh Nguyễn Văn Cường một người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Anh tôi vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu, ngày Tết lại càng có lý do để uống rượu nhiều hơn. Khi nhập viện, anh ấy đã ở trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, mất rất nhiều máu, hôn mê sâu, bác sĩ tiên lượng tình trạng rất xấu”.

Theo các bác sĩ, do là dịp Tết nên không ít trường hợp nhập viện muộn khi tình trạng bệnh đã biến chứng quá nặng. Việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, nhất là khi mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết... Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp thấy con mình bị tiêu chảy nhưng do chính sự thiếu quan tâm hoặc cố chờ qua Tết mới đưa đi khám, do tiêu chảy nhiều lần cơ thể không được bù kịp lượng nước dẫn đến nhiều cháu bị ngất lịm, thiếu ôxy não và tử vong. Do vậy dù là ngày lễ Tết, đầu năm, đầu tháng... cứ thấy trẻ sốt từ 2 đến 3 ngày không giảm thì nên vào bệnh viện thăm khám. 

Đặc biệt không nên tự ý cho trẻ uống thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy, dùng kháng sinh mà nên cho trẻ uống bù nước bằng dung dịch oresol (pha theo hướng dẫn), khi trẻ tiêu chảy kéo dài cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám để có hướng điều trị hợp lý. Hoặc với viêm ruột thừa, thủng dạ dày tá tràng là các chứng dễ khiến người bệnh chủ quan không đi khám, do tâm lý cứ nghĩ đến việc bị rối loạn tiêu hóa. Nhưng hậu quả thì không lường trước được vì các bệnh này là rất nguy hiểm bởi càng kéo dài, nguy cơ bệnh càng trở nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 Để tránh việc “hối hận thì đã muộn” do ngại đến bệnh viện, các chuyên gia y tế khuyến cáo khi đau ốm người bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà hoặc kiêng đến bệnh viện khám đầu năm vì sợ xui xẻo mà nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp, kịp thời.

Đọc thêm