Rút lại phương án một giá điện

(PLVN) -Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia,  dư luận và người dân, Cục Điều tiết Điện lực đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công thương cho rút phương án một giá điện và tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi biểu giá điện 5 bậc thang cho phù hợp hơn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc sửa đổi quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chiều 18/8.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc sửa đổi quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chiều 18/8.

Chiều 18/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc sửa đổi quyết định 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được đưa ra lấy ý kiến.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), sau khi Bộ Công Thương ban hành Công văn số 5686/BCT-ĐTĐL ngày 5/8/2020 cũng như đăng tải dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến tham gia của các học giả, các nhà báo, các khách hàng sử dụng điện trên các phương tiện thông tin báo chí.

Mặc dù phương án giá 2A và 2B có ưu điểm cho thêm khách hàng được lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá hoặc bậc thang, song không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong khi một trong những chủ trương lớn của Chính phủ và bộ trong thời gian tới là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện phản ánh trên các báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Điều tiết Điện lực đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rút các Phương án giá điện 2A và 2B.

Ngoài ra, ERAV cũng tiếp tục xin ý kiến về Phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.  

Trước đó, trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng của các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đã tổng hợp chi phí tiền điện của các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt.

Theo đó, với tất cả các phương án, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).

Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.

Ở Phương án 1 và Phương án 2A, 2B đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700 kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.

Cụ thể, với Phương án 2A, giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Còn với phương án 2B, nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân, khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng trước băn khoăn thắc mắc của người dân trong biểu giá bán lẻ điện, việc sửa đổi biểu giá là cần thiết. Nguyên tắc xây dựng là phải hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu người dân trong đời sống, sinh hoạt, chế độ chính sách nên phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Việc xây dựng biểu giá cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, điều kiện cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có lợi nhuận đủ để hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng quốc gia.

Đọc thêm