Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa hai khối DN này? Đây là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại VBF 2016.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Hãy “nối vòng tay lớn” với chúng tôi!
Để tăng cường kết nối các tập đoàn xuyên quốc gia, các DN FDI với DN nhỏ và vừa (NVV) trong nước, VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN về việc thành lập Liên minh DN Việt Nam – Hoa Kỳ và triển khai Chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam nâng cao năng lực (qua đào tạo, thông tin, tư vấn, chắp mối…) để kết nối với các DN lớn của Hoa Kỳ.
Với sự hợp tác của UNIDO và Bộ KH&ĐT, VCCI cũng đã thành lập Trung tâm Quan hệ đối tác và phát triển công nghiệp hỗ trợ (Supporting Industry Partnership Exchange - SPX ) với sự tham gia bước đầu của 600 DN trong nước với những sản phẩm hỗ trợ đạt chuẩn quốc tế, có thể cung ứng cho các FDI. Tôi biết Ngân hàng Thế giới cũng đang quan tâm tới mô hình này.
Tôi đề nghị: Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và địa phương, các vị đại diện cho khu vực FDI và các hiệp hội DN trong và ngoài nước hãy “Nối vòng tay lớn” với chúng tôi phát triển các thực tiễn tốt này.
Tôi cũng đề nghị các FDI hãy coi hợp tác với chúng tôi để hỗ trợ nâng cao năng lực của các DNNVV trong nước và kết nối với họ cũng là trách nhiệm xã hội của mình và cũng là phương thức để các vị bám rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông Collin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn Nhân lực, VBF:
Chính phủ, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cần phối hợp chặt chẽ trong một mô hình “kiềng ba chân”!
Khi tôi làm giám khảo cuộc thi vinh danh các DN có chính sách nhân sự xuất sắc - Việt Nam HR Awards - đầu năm nay, tôi rất vui mừng thấy rằng có nhiều công ty tại Việt Nam cả DN FDI và DN trong nước đã không những bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế mà gần đây còn vượt qua những tiêu chuẩn này để trở thành những DN tốt nhất trên thế giới. Tại lễ trao giải Việt Nam HR Awards, sau khi các công ty hàng đầu trình bày về những thành tựu của họ, một số DNNVV đã nhận xét rằng: “Đó là một điều rất tốt cho quý công ty, còn đối với các công ty vừa và nhỏ như chúng tôi sẽ như thế nào? Làm sao chúng tôi có thể đạt được những thành tựu đó?”.
Câu trả lời cho câu hỏi này chính là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Những DN FDI hàng đầu đã theo sát một công thức thành công mà họ đã áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Khi công thức này được chia sẻ, đó sẽ là một điều có lợi cho cả khối DN FDI và DN trong nước. DN FDI sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi hơn với hội nhập của chuỗi cung ứng địa phương, DN trong nước có thể cải thiện hiệu suất và cạnh tranh hiệu quả hơn trong thị trường quốc tế. Các Hiệp định thương mại quốc tế đã có - Bây giờ là lúc sử dụng các Hiệp định này để khai thác hết lợi thế của Việt Nam.
Bộ phận lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là khối DNNVV và theo đó, đẩy mạnh sự phát triển của khối DN này sẽ cải thiện đáng kể toàn bộ nền kinh tế. Khi DNNVV đạt được những kết quả như DN FDI hàng đầu, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới. Cá nhân tôi tin rằng chúng ta có tiềm năng để trở thành một trong những quốc gia có GDP trên đầu người cao nhất thế giới nếu những tiềm năng của người Việt Nam được tận dụng tối đa.
Để đạt được mục tiêu này, 3 bên gồm Chính phủ, DN FDI và DN trong nước cần phối hợp chặt chẽ trong một mô hình “kiềng ba chân” để càng lớn mạnh và bền vững. Mỗi bên cần cho và nhận từ các bên còn lại để quốc gia có thể lớn mạnh, sử dụng phối hợp toàn bộ khả năng của mỗi bên.
Khi khu vực tư nhân trong nước được lớn mạnh thì tất cả các bên đều hưởng lợi. Chính phủ có thể hưởng lợi từ việc: Một nền kinh tế được cải thiện giúp đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia; Doanh thu thuế được nâng cao; Một nền kinh tế độc lập, nền kinh tế trong nước tự chủ hơn và không phụ thuộc quá nhiều vào vốn nước ngoài; Hội nhập hơn với kinh tế toàn cầu do khu vực tư nhân trong nước có khả năng cạnh tranh toàn cầu tốt hơn… Mặt khác, khi khu vực tư nhân trong nước lớn hơn, DN FDI cũng được hưởng lợi từ: Nền kinh tế phát triển, DN FDI tiếp cận với lượng khách hàng trong nước lớn hơn và tăng doanh thu; DN FDI có thể mua nhiều hơn từ chuỗi cung ứng trong nước, giảm chi phí và tăng độ tiện dụng; Khi DN tư nhân trong nước chuyên nghiệp hơn, cả nền kinh tế sẽ trở nên hiệu quả, DN FDI sẽ được hoạt động trong một môi trường kinh doanh tốt hơn.
VBF có thể đứng ra điều phối các DN FDI tập hợp, chia sẻ các ý kiến tư vấn thực tiễn, tiêu chuẩn quốc tế và trình bày một cách thiết thực để các DNNVV Việt Nam có thể hiểu rõ nhất. Tôi tin rằng, nếu đa số các DN trong nước có thể nâng tầm mình lên mức các chuẩn mực quốc tế thì có thể thực sự đạt được những thành công còn lớn hơn so với những nơi khác trên thế giới…
Ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham):
Cần thành lập một cơ quan giúp kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam!
Để thực hiện chính sách kết nối DN FDI với các DN Việt Nam, cần phải tập trung mở rộng mối quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các DN Việt Nam. Theo tôi, cần có chính sách mở rộng các kênh để các DN FDI có thể tiếp cận được hàng hóa trung gian từ các DNNVV của Việt Nam.
Để tăng cường mối quan hệ hợp tác hỗ trợ gữa các DN FDI và các DN Việt Nam, việc tạo ra một kênh thông tin để 2 bên thấu hiểu lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Vì vậy cần thành lập một cơ quan giúp kết nối DN FDI với DNNVV Việt Nam để dễ dàng tìm được các cơ hội kinh doanh. Để làm được điều này, cần thành lập một Ủy ban hợp tác đầu tư (tên dự kiến) để cung cấp thông tin về các DNNVV tiềm năng của Việt Nam cho các DN FDI trước khi đưa ra các tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, cần có một chính sách để lựa chọn, khuyến khích và quảng bá các DN FDI đã tích cực hợp tác với các DN Việt Nam. Ngoài ra, các DN FDI mua phụ tùng và hàng hóa trung gian tại Việt Nam cần được biểu dương và hưởng thêm nhiều ưu đãi liên quan đến thuế và nới lỏng hạn chế đầu tư.
Để thu hút các DN FDI mua hàng hóa từ các DN Việt Nam, chào bán hàng hóa chất lượng với giá cả cạnh tranh là vấn đề quan trọng nhất. Theo tôi, vấn đề này không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà cần phải tìm cách xử lý một cách thấu đáo.
Ngoài ra, cần tạo ra các chương trình trực tiếp kết nối các DN FDI và nguồn lao động trong nước có chất lượng cao để tăng thêm hiệu quả kết nối lao động..
“Doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất”
Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Ông cũng nhấn mạnh DN Việt Nam là bao gồm cả các DN FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các DN trong nước. “Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng DN Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng đã kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công-tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ông cũng kêu gọi tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Về phía DN FDI, Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm của Chính phủ là mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.
“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa DN”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.
Mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI nhưng Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Đây không phải là quan điểm mâu thuẫn mà ngược lại bổ trợ và tương tác thuận chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sức phát triển của toàn bộ nền kinh tế…