Có chậu mai là thấy… Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dọc quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn thị xã An Nhơn, nhất là tuyến tránh đoạn xã Nhơn An, phường Bình Định, phường Đập Đá không khí mua bán mai sôi động, tấp nập. Năm nào cũng vậy, vào dịp này, hàng trăm nhà vườn lại vận chuyển mai vàng ra các tuyến đường này để bày bán. Rồi kẻ bán, người mua nói cười, chuyện trò rôm rả. Nhiều chiếc xe tải nối đuôi nhau ở 2 bên đường để vận chuyển mai đến các nơi tiêu thụ.
Theo các chủ vườn mai ở xã Nhơn An, năm nay dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng cây mai vẫn nụ nhiều, to đều. Điều đáng nói, giá bán duy trì ổn định nên người trồng mai hứa hẹn một cái Tết sung túc.
Anh Trần Văn Ba (một chủ vườn mai ở thôn Trung Định, xã Nhơn An) đã xuất bán 200 chậu mai ở độ tuổi 3,5 - 4,5 năm với giá từ 400 - 600 nghìn đồng/chậu cho các thương lái phía Bắc. Ngoài độ tuổi nói trên, hàng trăm chậu mai anh đang bày bán còn có nhiều độ tuổi từ 3,5 - 7 năm với giá lên đến cả triệu đồng/chậu.
“Ngoài thương lái mua chở đi tiêu thụ thì người dân trong tỉnh Bình Định cũng đến hỏi mua để về chưng Tết. Với người Bình Định, Tết phải có chậu mai trong nhà thì mới ấm cúng. Có chậu mai là thấy Tết về”, anh Ba chia sẻ.
Ngoài mai truyền thống, các nhà vườn trồng mai trên địa bàn thị xã An Nhơn cũng bắt kịp xu hướng, thị hiếu của khách hàng là thích chơi mai bonsai với đủ các kiểu dáng. Có tận mắt thấy mai với đủ hình thù mới thấy sự tinh tế trong nghệ thuật trồng, tạo dáng mai của chủ vườn để đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của khách hàng ngày càng cao.
Anh Trần Minh Trung (chủ vườn mai ở phường Nhơn Hưng) là một nghệ nhân với thâm niên trồng mai cảnh nhiều năm. Anh Trung đã dành nhiều công sức học hỏi, rèn luyện kỹ thuật trồng mai bonsai, đặc biệt là tạo thế cho cây. Anh áp dụng kỹ thuật cắt tỉa, uốn cong và cấy ghép để tạo ra những cây mai bonsai mang vẻ đẹp kiểu dáng độc đáo.
Dịp Tết này, anh Trần Minh Trung dự kiến bán khoảng 600 chậu mai bonsai với giá trung bình 2 triệu đồng/chậu. |
Theo anh Trung, anh thường bán mai trên tiktok bằng cách livestream bán trực tiếp. Khách hàng dù ở xa vẫn có thể chọn cây ưng ý qua màn hình điện thoại. Sau khi chốt giá, anh sẽ gửi đi cho khách nên rất thuận tiện.
“Còn những ngày giáp Tết, tôi bày bán ở dọc quốc lộ A1 để người dân ngoài đến mua về chơi Tết còn đến thưởng thức những chậu mai bonsai với những thế, dáng đẹp. Dịp này, tôi dự kiến bán khoảng 600 chậu mai bonsai với giá trung bình 2 triệu đồng/chậu”, anh Trung chia sẻ.
Nhờ mai mà thoát nghèo
Tính đến nay, toàn thị xã An Nhơn có trên 145ha mai vàng, với hàng nghìn hộ trồng mai. Trong số này, phát triển cũng như trồng nhiều nhất là ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong. Những năm qua, trồng mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn, ước tính doanh thu lên đến cả tỷ đồng/năm, các hộ trồng ít hơn cũng thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Nghề trồng mai đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Phan Long Hùng - Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết, 5/6 thôn ở địa phương, gồm: Thuận Thái, Thanh Liêm, Háo Đức, Trung Định, Tân Dương đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề trồng mai cảnh, đạt tiêu chí làng nghề nông nghiệp. Năm 2012, sản phẩm “Mai vàng Nhơn An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
“Dịp Tết Nguyên đán năm 2023, doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mai ở địa phương đạt khoảng 72 tỷ đồng; dịp Tết năm 2024 đạt khoảng 42 tỷ đồng; dịp Tết năm nay dự đoán đạt khoảng trên 50 tỷ đồng. Nhờ cây mai mà người dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất mở đường làm nông thôn mới nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Mai Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, nhiều năm qua, thị xã An Nhơn được biết đến là vùng chuyên canh trồng mai, được giới yêu thích sinh vật cảnh mệnh danh là thủ phủ mai vàng của cả nước, với nhiều làng mai nổi tiếng ở các xã, phường, nhiều nghệ nhân trồng mai tận tụy, tài hoa và giàu tâm huyết. Việc giữ gìn, phát triển thương hiệu “Mai vàng An Nhơn” luôn được địa phương quan tâm và thực hiện.
“Với người Bình Định, Tết mà có chậu mai trong nhà thì ấm cúng lắm”, anh Trần Văn Ba chia sẻ. |
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, từ ngày 9 - 27/1 (tức mùng 10 - 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại khu vực trưng bày sinh vật cảnh thôn Trung Định (xã Nhơn An) sẽ diễn ra Hội mai xuân.
Từ ngày 6 - 8/2 (tức mùng 9 - 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại quảng trường trung tâm thị xã An Nhơn, Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần II năm 2025 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như: trưng bày 130 chậu mai với kiểu dáng đẹp, mai bonsai; hội thi trình diễn tạo dáng, thế mai đẹp; trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương; hội thi đánh cờ người, hô bài chòi, chim cảnh; lễ hội đường phố; các trò chơi dân gian...
Lễ hội nhằm mục đích quảng bá sản phẩm mai vàng của An Nhơn, góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề trồng mai cảnh gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị xã, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư về tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại An Nhơn.
Thông qua lễ hội, các nhà vườn có dịp giới thiệu các sản phẩm làng nghề mai vàng truyền thống phục vụ Tết, đẩy mạnh kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề và tiếp tục khẳng định thương hiệu “Mai vàng An Nhơn”.
“Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần II năm 2025 là một trong những hoạt động chào đón năm mới, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và địa phương, chào mừng sự kiện An Nhơn trở thành thành phố năm 2025 và chào mừng đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần tạo khí thế phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”, ông Tiến cho biết.
Từ nhiều năm qua, thị xã An Nhơn (Bình Định) được biết đến là một vùng chuyên canh trồng mai và được mệnh danh là thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung với những làng mai nổi tiếng ở các xã, phường cùng với những nghệ nhân trồng mai tận tụy, tài hoa và giàu tâm huyết.
Để tạo hướng đi mới cho vùng mai vàng này, địa phương đã xây dựng Đề án và hình thành điểm đến tại các làng nghề mai cảnh xã Nhơn An, nhằm thu hút du khách và tôn vinh những giá trị văn hóa cây mai cảnh, phát huy giá trị thương hiệu “Mai vàng An Nhơn”.
Theo Đề án, thị xã An Nhơn phấn đấu xây dựng đến năm 2025 có 4 hộ gia đình trồng mai cảnh đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Các làng nghề thu hút hàng năm trên 4.000 lượt khách du lịch đến với làng nghề, góp phần tạo thêm việc làm cho khoảng 50 lao động tại làng nghề.
Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 5 hộ gia đình trồng mai cảnh đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trải nghiệm, nâng tổng số hộ tham gia phát triển du lịch tại Làng nghề mai cảnh xã Nhơn An lên 9 hộ. Các làng nghề thu hút hàng năm trên 6.000 lượt khách du lịch đến làng nghề, góp phần tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động tại làng nghề.