Sách truyền thống vẫn còn đất sống?

(PLVN) - Giữa thời đại của sách điện tử, sách in tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng nhiều tín hiệu cho thấy, sách truyền thống vẫn có thể sống tốt. 
“Đại dịch - Tim không đập thình thịch” của Bác sĩ Trương Hữu Khanh là minh chứng cho “đất sống” của sách truyền thống.
“Đại dịch - Tim không đập thình thịch” của Bác sĩ Trương Hữu Khanh là minh chứng cho “đất sống” của sách truyền thống.

Thời gian này, với giới làm sách truyền thống, quyển sách “Đại dịch - Tim không đập thình thịch” đúng là một hiện tượng. Quyển sách của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, do An Book phát hành. Sách viết về phản ứng hợp lý trước mỗi thời điểm của dịch bệnh. 

Trong thời buổi làm sách khó khăn, nhưng chỉ 3 ngày sau khi ra mắt công chúng, An Book phân phối được hơn 5.000 quyển sách, một con số đáng mơ ước với giới làm sách. Có lẽ, tên tuổi của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cộng với chủ đề đầy tính thời sự - Đại dịch Covid-19 chính là lý do lớn khiến cho “Đại dịch - Tim không đập thình thịch” trở thành “sách hot”.

Tất nhiên, nói đi phải nói lại, rõ ràng, An Book đã có một chiến lược làm sách hiệu quả, đánh đúng vào tâm lý và nhu cầu của số đông độc giả, đặc biệt là ra sách vào đúng mùa giãn cách, lúc mà người dân cần đến nhiều món ăn tinh thần.

Trước đó, An Book là đơn vị làm sách gắn với tựa sách “Quẩy gánh băng đồng ra thế giới” (Quảy gánh), đây cũng là một trường hợp khá kinh điển trong làng sách giấy về hiệu quả của làm sách tương tác. “Quẩy gánh băng đồng ra thế giới”  in lần đầu tiên 5.000 bản, phân phối gần 4 tháng mới hết đợt in đầu tiên, sau đó tái bản với phiên bản ứng dụng công nghệ vào tương tác cùng độc giả, thực hiện hơn 40 buổi offline ở 40 trường đại học và các điểm giao lưu sách. Cho đến nay, quyển sách này đã được in 35.000 bản.

Những năm gần đây, có thể thấy các đơn vị phát hành đã nỗ lực không ít để đem sách của mình đến với độc giả. Từ các hoạt động tương tác offline như ra mắt sách, giao lưu tác giả, chuyên gia. Cho đến online như sử dụng các trang mạng xã hội để giao lưu, kết nối độc giả, tổ chức cuộc thi, tặng sách…

Hình thức sách in cũng trở nên sáng tạo, mới mẻ hơn. Thậm chí nhiều đơn vị sách còn tổ chức tham khảo độc giả, cho độc giả lựa chọn bìa sách… Những hoạt động này ít nhiều đem lại hiệu quả. Nhưng có cảm giác, đến nay, người làm sách vẫn còn thiếu một chút sức bật, một bước đột phá.

Có thể nói, đối thủ trực tiếp của sách in truyền thống chính là sách điện tử và nhất là sách audio, được hỗ trợ bởi nền tảng youtube với lượng người dùng khổng lồ. Đó quả là một cuộc cạnh tranh khá bất công, khi mà sách in truyền thống có quá nhiều bất lợi.

Chi phí in ấn tốn kém, rủi ro cao, sự thay đổi thói quen của người đọc hiện đại là những điều mà sách truyền thống đang phải đối mặt. Không chỉ thế, với sách điện tử, audio, mỗi một cá nhân đều có thể trở thành “tác giả”, sáng tác bất cứ thứ gì để “câu khách”, không phải thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng.

Nhưng điều bất lợi đôi khi lại là lợi thế, khi mà sự bát nháo của sách điện tử, audio đã giúp cho người đọc định hình được giá trị thẩm mỹ của sách in truyền thống. Từ đó, nó có giá trị bền vững trong lòng người đọc.

Tuy nhiên, lợi thế này, so với bất lợi cũng còn ít ỏi. Điều quan trọng hiện nay, dựa trên những kinh nghiệm về thị trường sách truyền thống, cho thấy sách in vẫn còn chỗ đứng và tương lai tươi sáng, nếu người làm sách biết tìm cho mình lối đi riêng. 

Đọc thêm