TP.Hồ Chí Minh: Hàng kém chất lượng chỗ nào cũng có
Những ngày qua, các cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng hóa kém chất lượng, chủ yếu là thực phẩm chế biến, bánh mứt, hoa quả, quần áo, giày dép, thuốc lá, mỹ phẩm…
Cụ thể, ngày 30/1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 1B (Chi cục QLTT TP.HCM) kiểm tra Cty TNHH Thương mại Ly Na (61 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) phát hiện 36 thùng với hàng chục loại mỹ phẩm mang các thương hiệu La-Bo, Peterthomas roth, Ac-ti-va, Cottage… nhãn ghi tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, một số đã hết hạn sử dụng.
Tại thời điểm kiểm tra, Cty Ly Na không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa do công ty kinh doanh. Trước số nhà 131 Nguyễn Trãi (phường 2, quận 5) Đội QLTT 5B phối hợp với Công an quận 5 kiểm tra xe tải do Lê Văn Thuận điều khiển vận chuyển 959 đôi giày hiệu Chanel và 100 đôi giày hiệu LV nhập lậu và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu từ sân bay Tân Sơn Nhất về giao cho một tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) và tạm giữ số hàng trên.
Trong tuần thứ tư của tháng 1/2015, Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 37 vụ sản xuất, buôn bán 82.519 đơn vị sản phẩm và 61.935kg thực phẩm các loại vi phạm, trong đó có sữa nước Ensure, nước tăng lực Redbull, nước ép trái lê, kẹo Trung Quốc, hạt hướng dương, giò chả, chả chiên, chạo thịt không nhãn mác, mất vệ sinh và hết hạn sử dụng.
Cách đây ít ngày, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra cơ sở rang xay cà phê trái phép tại ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, thu giữ hơn 60 tấn bắp rang, đậu nành và hơn 67 tấn cà phê.
Cơ sở này dùng bột đậu nành, bắp rang trộn với hương liệu chế biến cà phê thành phẩm với công suất 1,7 đến 2 tấn/ngày đem ra thị trường tiêu thụ. Cùng thời điểm, tại đường Bà Hom, Công an quận 6 tạm giữ gần 1.500 bao bột ngọt, hạt nêm giả do ông Huỳnh Ngọc Oai đang trên đường mang đi tiêu thụ.
Không chỉ thực phẩm đóng hộp, kẹo mứt kém chất lượng mà hoa quả nhập khẩu ung thối bị các cơ quan chức năng phát hiện khá nhiều. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ngày 27/1 lực lượng QLTT TP.HCM phát hiện tại 2 kho hàng của Cty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt chứa gần 25 tấn hành củ, lê và nho Hàn Quốc đã bị mốc; hơn 24.000 gói nước ép trái lê nhãn ghi tiếng Hàn Quốc nhưng không ghi nguồn gốc, nơi sản xuất, hạn sử dụng.
Hai kho hàng khác tại chợ đầu mối Thủ Đức lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 32 tấn lê, táo Trung Quốc của 9 chủ hàng kinh doanh tại chợ này không có nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Quảng Nam tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm
Tính đến cuối năm 2014, số cơ sở giết mổ tập trung của tỉnh Quảng Nam đã tăng lên 18 cơ sở, tuy nhiên vẫn còn một số hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa chịu vào khu tập trung. Ngoài ra, vẫn còn nhiều điểm giết mổ nhỏ được để lại theo phương án đến năm 2015 của các huyện. Lợi dụng lực lượng thú y mỏng, nhiều cơ sở cố tình vi phạm các quy định và giở trò gian lận thương mại.
Cuối tháng 1 vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện các vụ bơm nước vào cơ thể bò trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Đắc Nga (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) và các ông Lê Trung Cảnh, Lê Trung Bình (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên).
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã thành lập 2 đoàn công tác thường xuyên đi kiểm tra tại các huyện, thành phố, qua đó phát hiện 33 trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập Đội công tác liên ngành để kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các địa phương xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, Đội liên ngành tỉnh sẽ quyết liệt kiểm tra, xử lý hành vi bơm nước, hóa chất vào gia súc trước khi giết mổ để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ số nhân viên thú y được hợp đồng làm công tác kiểm soát giết mổ, yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình.
Theo Chi Cục trưởng QLTT TP.HCM Phan Hoàn Kiếm, trong những ngày cuối năm, lợi dụng nhu cầu cao mua sắm tết của người dân, các loại hàng hóa kém chất lượng giá tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, kẹo mứt, bia rượu, quần áo, giày dép, các đối tượng vi phạm đã tung ra thị trường lượng hàng hóa kém chất lượng để vụ lợi.
Còn ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng trong khi mua sắm, nên mua những mặt hàng có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và được bán ở những điểm kinh doanh có uy tín.