Cụ thể, vào khoảng 13h40 ngày 18/5/2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.006 MW, ngoài ra sản lượng tiêu thụ điện ngày 18/5/2019 của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 756,9 triệu kWh.
Trước đó, thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, dù mới chỉ bắt đầu bước vào mùa hè nhưng năm nay đã ghi nhận một kỷ lục mới vào ngày 24/4 khi công suất hệ thống lên đến 35.703MW, sản lượng tiêu thụ điện là 751 triệu kWh (cao hơn đỉnh mùa nắng nóng 2018).
Thời tiết ngày hôm qua (19/5/2019) vẫn tiếp tục diễn ra hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, thậm chí, giữa trưa, nhiệt độ đo được ở mặt đường một số khu vực Hà Nội còn lên tới 60 độ. Nhưng công suất phụ tải điện đã giảm, cao nhất trong ngày chỉ còn 32.323 MW vào lúc 15h.
Tuy nhiên, theo dự báo, năm nay, tình trạng nóng nắng khắc nghiệt sẽ còn tiếp diễn thêm vài đợt nữa, do vậy tình hình tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục ở mức rất cao, thậm chí vẫn có khả năng lại tạo lập kỷ lục mới.
Có thể thấy, hệ thống điện đang ở tình thế vận hành căng, nhất là trong những ngày nắng nóng trong khi đó, hiện các nguồn điện đều đã được huy động tối đa, từ nguồn điện có chi phí sản xuất cao nhất (nhiệt điện dầu với mức hơn 5.000 đồng/kWh) đến các hồ thủy điện phải sản xuất điện ở mực nước chết… nên EVN đã lên nhiều phương án ứng phó.
Theo đó, EVN cũng tính đến việc đấu nối các nguồn điện mặt trời và điều này có thể dẫn tới việc có thời điểm bị cắt điện, trong tháng 5 hoặc tháng 6.
Mặc dù trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt làm nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ tăng rất cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đưa ra khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.
EVN cũng khuyến cáo, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng gia đình, từng hộ khách hàng. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Do đó, EVN kiến nghị, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…); Đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường.
Không chỉ khuyến cáo người dân, các cơ quan tổ chức sử dụng điện an toàn và tiết kiệm mà Bộ Công Thương cũng đã tổ chức một đoàn công tác làm việc với khoảng 2.000 khách hàng (trong tổng số 5.000 khách hàng lớn của ngành điện) trong chương trình điều hòa phụ tải để đề nghị các khách hàng này chủ động giảm phụ tải điện giờ cao điểm vừa tránh việc phải huy động các nguồn chạy điện chi phí cao vừa đảm bảo tất cả có đủ điện để dùng và công suất điện không bị lên quá cao.