Sản phẩm du lịch City tour Hà Nội - làm gì để không “chết yểu”?

(PLVN) - Năm 2017, “tuyến du lịch vàng Hà Nội” đã nhận được nhiều kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch city tour độc đáo, kết nối các giá trị văn hóa đặc thù của thành phố. Đáng tiếc, đến nay tuyến du lịch này đã không còn hoạt động, nhưng ý tưởng City tour vẫn còn tiếp diễn…
Đội xe phục vụ 'Tuyến du lịch vàng' tham quan TP Hà Nội nay đã ngừng hoạt động

“Tuyến du lịch vàng Hà Nội” ngừng hoạt động 

Khoảng tháng 10/2017, “tuyến du lịch vàng Hà Nội” cùng sản phẩm du lịch theo chủ đề “Truyền thống hiếu học” được Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt, nhằm hướng tới đối tượng khách lẻ, khách đi theo nhóm được khám phá Hà Nội một cách trọn vẹn. 

“Tuyến du lịch vàng Hà Nội” được kết nối từ các khách sạn lớn tại Hà Nội với các khu vực du lịch như: Khu phố cổ Hà Nội, Khu vực hồ Hoàn Kiếm, các bảo tàng của Việt Nam, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Quảng trường Ba Đình, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long … 

Điểm đặc biệt, sản phẩm du lịch “Truyền thống hiếu học” kết nối chuỗi giá trị từ di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những tác phẩm hội họa, điêu khắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: “Quan Văn vinh quy”, “Quan Võ vinh quy”, “Ông Nghè vinh quy”, “Đi học chữ Bác Hồ”, “Cầm đuốc đi học”, “Ẵm em đọc sách”, “Học bổ túc”… để du khách hiểu được truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt… 

Song gần đây, khi phóng viên (PV) liên hệ với Hanoi Tourist để đặt tour này thì được biết “tuyến du lịch vàng” đã ngừng hoạt động từ khoảng một năm nay. Nhân viên tư vấn chia sẻ về nguyên nhân chính là do lượng khách không đủ: “Khách Việt không hứng thú với hình thức tour tham quan thành phố. Còn khách Tây lại ưa chuộng tham quan trên xe buýt hai tầng, tầng trên thoáng phù hợp cho khách ngắm nhìn đường phố Hà Nội”. 

City tour Hà Nội hiện thiếu gì?

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2017, loại hình xe buýt hai tầng được đưa vào sử dụng thí điểm tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có Hà Nội. Song thời điểm này, xe buýt hai tầng vẫn lưu chuyển như xe buýt công cộng, có tuyến đường đi qua các điểm du lịch trọng điểm của thành phố, chưa hướng tới đối tượng đặc thù là khách du lịch. 

Sau đó, khoảng giữa năm 2018, xe buýt hai tầng dành cho du khách chính thức được đưa vào hoạt động. Hiện, Hà Nội có hai loại xe buýt hai tầng dành cho du khách theo mô hình Hop on – hop off là xe Hanoi city tour (đỏ) và xe Vietnam Sightseeing (vàng).

Về lộ trình, hai xe có lộ trình gần giống nhau và đều đi qua các điểm đến hấp dẫn và nhiều thông tin như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát Lớn..., cách 30 phút có một chuyến và có thuyết minh audio trên xe bằng nhiều thứ tiếng.

Loại hình này khi được đưa vào hoạt động đã nhận nhiều phản ánh là “vắng khách, ế khách”. Mức giá được cho là khá “chát” với nhiều người dân Thủ đô. Đơn cử, xe Hanoi City tour (xe đỏ) giá từ 670.000 – 790.000 VND/khách/ngày; còn xe Vietnam Sightseeing Thăng Long – Hà Nội City tour (xe vàng) có 4 mức giá từ 196.000 – 650.000 VND/người tương ứng với số giờ có hiệu lực từ 4 tiếng - 48 tiếng.

Sở dĩ mức giá cao hơn xe buýt bình thường là bởi xe buýt hai tầng hiện hướng tới đối tượng chính là du khách nước ngoài; mức giá trên được coi là bình thường đối với du khách từ các nước có thu nhập cao. 

Ngoài ra, mô hình này mới vào thị trường Việt Nam nên cần thời gian xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức chi phí cao, chưa tối ưu hóa được số lượng xe cũng như thời gian giữa các chuyến lớn.

Đáng nói nhất, mỗi xe đều có công cụ thuyết minh tự động, có thể dịch ra nhiều thứ tiếng. Ưu điểm của phương án này là giảm chi phí, cung cấp được thông tin cho du khách nhưng khuyết điểm chính là giảm thiểu sự tương tác của du khách đối với điểm đến và con người bản địa; trong khi đó, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu cầu có người thuyết minh tại điểm đến hoặc trên chuyến xe tham quan. Điều này được đánh giá sẽ tăng mức độ hài lòng và hiểu biết của du khách. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, không chỉ yếu tố ngoại ngữ là rào cản, mà khả năng tùy cơ ứng biến, khuấy động, hoạt náo chương trình cũng là một trở ngại về trình độ của hướng dẫn viên trong nước.

Bên cạnh đó, xe buýt hai tầng luân chuyển trong thành phố còn có rủi ro không đảm bảo an toàn nếu vướng vào các dây điện, thời tiết nắng nóng về mùa hè, mưa bão, hoặc rét đậm vào mùa đông…

Thiết nghĩ, đây đều những nỗ lực của các đơn vị hướng tới mục tiêu kết nối các bảo tàng, di tích, làng nghề và các điểm tham quan trên địa bàn thành phố, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, góp phần cho sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô. Mỗi đơn vị, mỗi sản phẩm du lịch có ưu, nhược điểm riêng. 

Do vậy, city tour Hà Nội nhìn chung vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, đặc biệt trên góc độ nội dung, tối ưu giá thành, để thu hút được nhiều du khách nội địa và nước ngoài hơn.

Đọc thêm