Khoảng trống lớn
Việt Nam có nhiều lợi thế lớn để phát triển du lịch, đứng thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ đứng 75/141 về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, trong đó, các chỉ số về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, mức độ ưu tiên du lịch, môi trường bền vững của du lịch Việt Nam đều nằm trong nhóm yếu tố cần cải thiện.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó, kết quả khảo sát về du lịch ASEAN của tập đoàn tài chính Maybank King Eng. cho thấy, Việt Nam hiện đang thiếu khách sạn chất lượng, vì có tới 80% số lượng phòng khách sạn ở tiêu chuẩn dưới 3 sao và số khách sạn có thương hiệu quốc tế chỉ chiếm 1,4%, thấp nhất trong số các thị trường lớn ở ASEAN.
Trong khi đó, tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế ở Thái Lan là 6,6%, Indonesia là 6,5%, Malaysia 10,2% và của Singapore lên tới 54,8%.
Cũng theo khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây, khoảng 60% chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam là dành cho lưu trú và ăn uống; mua hàng hóa, tham quan và vui chơi giải trí chỉ chiếm 20%. Trong khi tại Thái Lan, chi phí cho mua sắm, giải trí chiếm từ 40 - 50% trong một chuyến đi.
Du lịch Việt Nam đang tồn tại thực trạng đang mất cân đối về chiến lược phát triển: thừa tiềm năng nhưng lại thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là các dịch vụ giải trí, mua sắm đủ sức móc hầu bao du khách. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông nhưng mức chi tiêu trung bình lại thấp và chỉ có khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai, so với tỷ lệ của Thái Lan là khoảng 70%.
Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam cần làm mới sản phẩm và nâng cao tính trải nghiệm cho du khách.“Các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, bất động sản du lịch không phải chỉ là phòng lưu trú mà cần trở thành quần thể gắn với nhiều tiện ích vui chơi giải trí như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật.” Bởi đây mới là yếu tố cốt lõi để kích cầu, tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt với các điểm đến trong khu vực.
“Tấm áo mới từ người thợ giỏi”
Thời gian qua, thị trường du lịch Việt Nam bước đầu đã xuất hiện một số sản phẩm mới đến từ các tổ hợp du lịch, công viên giải trí, hay các quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư xây dựng bởi các tập đoàn lớn.
Chẳng hạn, có thể kể tới chuỗi quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Tập đoàn FLC gồm FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn… gắn với nhiều tiện ích tiêu chuẩn quốc tế gồm sân golf, trung tâm hội nghị, khách sạn, biệt thự, đô thị nghỉ dưỡng giải trí... không những góp phần tăng trải nghiệm mới mẻ cho du khách, mà còn bổ sung đáng kể vào hạ tầng du lịch, nhất là phân khúc lưu trú hạng sang đang còn thiếu hụt.
Như Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong nhiều năm, khách đến bãi biển du lịch lâu đời nhất miền Bắc cũng chỉ biết ngắm cảnh, tắm biển, thưởng thức hải sản rồi ra về, thì nay đã có thêm nhiều trải nghiệm mới ở FLC Sầm Sơn như: hệ thống phòng khách sạn, biệt thự 5 sao, sân golf 18 hố, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam, phố chợ đêm và quảng trường biển, chuỗi lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật đương đại diễn ra hàng tuần tại đây.
Sự xuất hiện của FLC Sầm Sơn đã góp phần không nhỏ thúc đẩy lượng du khách đến địa phương tăng gấp đôi trong vòng 4 năm, từ 4,5 triệu lượt năm 2014 lên gần 8,5 triệu lượt khách năm 2018, trở thành điểm du lịch sôi động 4 mùa thay vì chỉ 1 mùa như trước đây.
Vẻ đẹp của biển Quảng Ngãi sẽ càng trở nên hấp dẫn và giá trị hơn nếu có thêm những sản phẩm du lịch mới |
Đáng chú ý, cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn FLC tiếp tục khởi công FLC Quảng Ngãi tại vùng biển đẹp của huyện Bình Sơn (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) với quy mô lên đến hơn 1.000 ha. Đây được xem là mô hình quần thể du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn đầu tiên tại xứ Quảng hội tụ nhiều tiện ích đẳng cấp về nghỉ dưỡng, tham quan, thể thao, vui chơi giải trí.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa thực tế cũng sẽ được chú trọng triển khai để du khách có cơ hội khám phá tập quán sinh hoạt đặc sắc của người dân vùng biển đảo.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, FLC Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ đánh thức vẻ đẹp của vùng đất tiềm ẩn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút hàng vạn du khách từ khắp nơi trên thế giới, như mô hình của những công trình hạ tầng du lịch mà Tập đoàn FLC đã từng thành công trước đó.
Trong bối cảnh khách du lịch ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng trải nghiệm ở mỗi điểm đến, sự tham gia của ngày càng nhiều các sản phẩm du lịch sáng tạo về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực được đầu tư bài bản, đồng bộ ví như những tấm áo mới kịp may cho du lịch Việt, không chỉ kéo khách về mà còn giữ chân và kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn ở mỗi hành trình.