Sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân

(PLO) -Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 14/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến công tác bảo hộ công dân của Việt Nam.
 
Sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân

Theo đó, bà Hằng cho hay, theo thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thì rạng sáng 14/12 đã xảy ra một vụ cháy tại khu vực nhà ở dành cho người lao động và nhà kho của nhà máy sản xuất cách nhiệt ô tô tại thành phố Đào Viên, Đài Loan. Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã cử cán bộ đến nơi xảy ra hỏa hoạn, khẩn trương tìm hiểu thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. 

Thông tin sơ bộ từ các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết, đến trưa ngày 14/12, có 5 lao động người Việt Nam bị thương và được đưa vào bệnh viện điều trị và đến nay đã có 2 người được ra viện. Có 6 lao động khác chưa được tìm thấy. Các cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện 6 thi thể trong đám cháy và hiện đang tiến hành xác minh danh tính. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc vẫn tiếp tục cử cán bộ tại hiện trường theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng của Đài Loan trong quá trình triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và cập nhật thông tin về các lao động Việt Nam tại đây. 

Về câu hỏi Philippines tìm thấy thi thể nghi là của thủy thủ Phạm Minh Tuấn của tàu MV Royal 16 bị Abu Sayaf bắt cóc năm 2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đề nghị các cơ quan chức năng của Philippines khai quật tử thi được cho là của anh Phạm Minh Tuấn. Ngày 8/12, các cơ quan chức năng của Philippines đã tiến hành khai quật thi hài tại Zolo, khu vực Sulu của Philippines. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Philippines đang tiến hành xác định ADN. Sau khi có kết quả ADN và khẳng định đây là thi hài của anh Tuấn thì các cơ quan của Việt Nam sẽ làm các thủ tục để đưa thi hài về nước.

Liên quan đến thông tin các thuyền trưởng bị xét xử tại Indonesia đang tuyệt thực, bà Hằng cho biết, tòa án Ranai, tỉnh Riau, Indonesia ngày 12/12 đã tuyên phạt 2 thuyền trưởng Cao Văn Hoàng và Hứa Minh Trung 500 triệu Rupi hoặc 5 tháng tù giam. Hiện bản án đã được kháng án lên tòa án cấp trên và chờ xét xử.

Kể từ khi 5 tàu cá Kiên Giang bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp để bảo hộ công dân; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần làm việc với Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với các cơ quan chức năng của Indonesia đề nghị xét xử công bằng với các công dân Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế, trả tự do cho ngư dân Việt Nam và các phương tiện đánh bắt nếu không đủ bằng chứng kết án. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng đã thăm hỏi, động viên ngư dân và luôn theo sát diễn biến vụ việc, quá trình xét xử và sẵn sàng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Ngoài ra, bà Hằng cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước để triển khai các biện pháp phòng chống tình trạng đánh bắt cá trái phép. Hiện nay, Việt Nam đã có cơ chế phối hợp với một số nước trong khu vực.

Đọc thêm