Giúp phạm nhân sớm được trở về với gia đình, xã hội
Xin Cục trưởng chia sẻ kết quả nổi bật của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân trong thời gian qua?
- Cục trưởng Lê Minh Hùng: Công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và quan trọng của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Đây là hoạt động hết sức đa dạng, phong phú nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các Bộ, ngành, chính quyền và Nhân dân địa phương cùng với sự chủ động, đoàn kết, tích cực phấn đấu, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân đã đạt đượt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Các trại giam đã tổ chức thực hiện công tác quản lý, giam giữ các loại đối tượng chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ. Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đã được các trại giam duy trì, thực hiện tốt. Các hoạt động giáo dục như phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức các lớp giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, giáo dục chung, giáo dục riêng, các lớp giáo dục, tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù… đã được tổ chức bài bản, đúng quy định; tỷ lệ phạm nhân có kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt luôn đạt trên 80%. Thông qua các hoạt động giáo dục đã giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động để khi có điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Đối với Việt Nam, công tác này được triển khai thực hiện như thế nào? Tại sao Việt Nam lại kết hợp giữa giáo dục và lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, thưa ông?
|
Cục trưởng Lê Minh Hùng - Ảnh PV |
- Cục trưởng Lê Minh Hùng: Tổ chức lao động cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, không chỉ được luật hóa mà còn được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Liên Hợp quốc đã xác định những quy tắc tối thiểu để đối xử với các phạm nhân, trong đó có việc quy định nghĩa vụ phải lao động của phạm nhân cũng như trách nhiệm hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân của trại giam.
Ở Việt Nam, công tác tổ chức giáo dục cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam được thực hiện theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự (năm 2019). Tổ chức giáo dục cải tạo phạm nhân thông qua hướng nghiệp dạy nghề là một trong những nội dung giáo dục cơ bản nhằm giúp phạm nhân hiểu rõ giá trị của lao động, từng bước hình thành thói quen lao động và tự giác lao động, có trình độ và khả năng nghề nghiệp nhất định để khi chấp hành xong hình phạt tù trở về với gia đình xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm.
Trong thời gian qua, công tác hướng nghiệp cho phạm nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị trại giam đã nhận được sự quan tâm phối hợp của các tổ chức và cá nhân trong đầu tư, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, đa dạng hóa các ngành nghề lao động từ trồng trọt, chăn nuôi, thủ công chế biến, xây dựng… đã từng bước góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tạo cơ hội cho phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, tiếp xúc với các thiết bị, sản xuất tiên tiến để dễ dàng thích nghi với quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Quá trình phạm nhân tham gia lao động đã có tác động tích cực đối với công tác giáo dục cải tạo, rèn luyện cho phạm nhân ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong lao động, học nghề cũng như trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.
Quyết tâm đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện
Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý trại giam là lĩnh vực có tính đặc thù. Vậy, Cục đã có những công tác gì để chủ động hội nhập, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới, thưa ông?
- Cục trưởng Lê Minh Hùng: Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng những năm qua đã phát huy hiệu quả và không ngừng mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, từ đó từng bước được nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cục đã thành lập nhiều đoàn công tác tham gia các hội nghị, hội thảo, các khóa tập huấn liên quan đến lĩnh vực quản lý trại giam; giáo dục cải tạo, thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân… như: Hội nghị nhà tù và trại giam thế giới; Hội nghị quốc tế về Y tế trại giam; tiếp và làm việc song phương với các đối tác, tổ chức quốc tế, tham dự lớp tập huấn về Công ước chống tra tấn, Diễn đàn tư pháp hình sự châu Á - Thái Bình Dương.
Qua tham dự các hội nghị quốc tế và đặc biệt là với lần thứ 2 đăng cai Hội nghị APCCA năm 2023 thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nước thành viên đối với Cục Cảnh sát quản lý trại giam của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của Cục Cảnh sát quản lý trại giam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Từ những kinh nghiệm đã tiếp thu của các nước, chúng ta lựa chọn, áp dụng linh hoạt, phù hợp vào thực tế của Việt Nam hướng tới mục đích bảo đảm an ninh an toàn các cơ sở giam giữ, quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân trở thành người có ích cho xã hội khi tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xin cảm ơn Cục trưởng!
Với chủ đề “Tạo dựng giá trị nhân văn, niềm tin và đoàn kết trong công tác trại giam”, Hội nghị với hơn 100 đại biểu đến từ 25 quốc gia, 3 tổ chức quốc tế và 15 cơ quan ngoại giao tham dự.
Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ chế họp thường niên và luân phiên của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam các nước trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác quản lý trại giam của mỗi quốc gia, mở rộng quan hệ, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, giao lưu văn hóa và có nhiều cơ hội để hiểu biết nhau hơn. Tính đến năm 2023, đã có 34 cơ quan thành viên chính thức ở 25 quốc gia, đã trải qua 40 kỳ Hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực.