Sẵn sàng thực hiện Hải quan số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN, tạo nền móng sẵn sàng thực hiện Hải quan số.
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: H.Nụ).
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: H.Nụ).

Chủ động thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN

Với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã tham gia việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN từ thời điểm hình thành ý tưởng, xây dựng cơ sở pháp lý, nội luật hóa cam kết khu vực, cho đến khi 10 nước thành viên chính thức kết nối vào năm 2020. Để hình thành Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia từ năm 2014 và trở thành một trong 5 nước thành viên đầu tiên kết nối Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2018.

Theo Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, tính đến hết ngày 30/4/2024, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 70.538 doanh nghiệp. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã chính thức công nhận C/O điện tử Form D. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) thông qua Cơ chế một cửa ASEAN với các nước thành viên và dự kiến sẽ hoàn thành trao đổi thông tin này với 8 nước thành viên (trừ Lào chưa tham gia) trước tháng 6/2024. Những kết quả triển khai Cơ chế một cửa ASEAN là tiền đề hết sức quan trọng để Việt Nam chính thức kết nối và công nhận C/O điện tử Form AK và Form VK trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc từ tháng 7/2023.

Việt Nam cũng đã kết nối và trao đổi tờ khai hải quan xuất khẩu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, trước mắt với Hải quan Liên bang Nga. Việt Nam hiện đang mở rộng đàm phán trao đổi C/O với Liên minh Kinh tế Á - Âu; chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand; tiếp tục mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc... Ngoài ra, đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống cho phép doanh nghiệp và các bên liên quan có thể tra cứu C/O e-Form D của Việt Nam từ tháng 8/2021 qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn).

Mối quan hệ mật thiết giữa Cơ chế một cửa với Hải quan số

Trong bối cảnh Chính phủ hết sức quan tâm đến chuyển đổi số trong các cơ quan Chính phủ, phát triển xã hội số, kinh tế số, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương nhấn mạnh, việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN càng hết sức có ý nghĩa.

Trên phương diện vĩ mô, nội hàm cơ bản trong triển khai Cơ chế một cửa ASEAN hoàn toàn tương đồng với những nội hàm của chuyển đổi số. Đó là thực hiện giao dịch phi giấy tờ dựa trên khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử; thông qua nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu số, chứng từ điện tử.

Dưới góc nhìn của cơ quan Hải quan, Cơ chế một cửa ASEAN có mối quan hệ mật thiết với thực hiện Hải quan số. Trước hết, để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, cần phải triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa quốc gia. Khi đó, một mặt, đây sẽ là nguồn dữ liệu số quan trọng để nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống thông quan, thực hiện thủ tục hải quan phi giấy tờ, hình thành kho dữ liệu về giao dịch thương mại, vận tải xuyên biên giới của Việt Nam. Mặt khác, quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng chính là quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, những thành phần quan trọng, không thể thiếu được và có tính quyết định tới sự thành công của chuyển đổi số nói chung và Hải quan số nói riêng.

Khi đã sẵn sàng về dữ liệu, cơ sở hạ tầng và nền tảng pháp luật, Việt Nam sẽ chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến cũng như tham gia vào các thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại dựa trên giao dịch phi giấy tờ, công nhận lẫn nhau về chứng từ điện tử... không chỉ bó hẹp trong ASEAN mà còn mở ra với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN.

Ngoài ra, khi tham gia Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam sẽ được các nước thành viên chia sẻ các thông tin, dữ liệu liên quan đến giao dịch xuất nhập khẩu; chứng từ vận tải xuyên biên giới. Đây là nguồn thông tin hết sức quý báu để các cơ quan Chính phủ phân tích, dự báo, xác định trọng điểm và các rủi ro có thể ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và của cộng đồng. Như vậy, có thể nói, việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN (trong đó bao gồm triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa quốc gia) là một trong những nội hàm quan trọng bảo đảm thành công cho thực hiện toàn diện Hải quan số.

Chia sẻ về Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28 (AFMM 28) vừa qua, liên quan đến công tác hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2024, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác hải quan ASEAN, sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6 tại Phú Quốc.

“Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật với Cơ chế một cửa ASEAN, tạo nền tảng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực. Trên cương vị Chủ tịch, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác hải quan quan trọng trong ASEAN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Đọc thêm