Sàn thương mại điện tử đưa vải thiều "đi xa và nhanh hơn"

(PLVN) - Dù còn nhiều bỡ ngỡ lúng túng nhưng với sự hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia các Sàn thương mại điện tử cùng với các cán bộ Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang, bà con nông dân đã từng bước tiếp cận với phương thức bán hàng mới, bà con trồng vải Bắc Giang cho biết, giờ thấy bán hàng online không khó khăn như trong suy nghĩ trước đây.
Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được coi là một trong những giải pháp hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

6 sàn thương mại cùng vào cuộc

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao là đơn vị đầu mối chủ trì, triển khai gấp rút Chương trình hỗ trợ bà con Bắc Giang tiêu thụ đặc sản vải thiều Lục Ngạn đến tay người dân cả nước thông qua thương mại điện tử.

Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.

 Vải thiều lên sàn thương mại điện tử.

Trong các buổi làm việc giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Khu vực vùng trồng vải thiều đã được khoanh vùng an toàn ngay từ đầu hoàn toàn không có đối tượng F1, cơ quan chức năng tỉnh đã lập chốt kiểm dịch từ khi dịch còn chưa bùng phát, nghiêm cấm người ra vào khu vực trồng vải thiều khi không có nhiệm vụ. UBND Bắc Giang cũng chỉ đạo những tuyến đường như QL37, QL279... dành riêng cho xe chuyên chở vải thiều”.

Lãnh đạo Sở nhấn mạnh vải thiều Bắc Giang đưa ra khỏi địa bàn tỉnh đều được cấp “Giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn”; hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu vệ sinh dịch tễ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khẩn trương phối hợp cùng 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost)… thống nhất triển khai những phương án thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử và chuẩn bị các hoạt động truyền thông, quảng bá để đáp ứng mọi đơn hàng vải thiều, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức từ xe lạnh tới phương thức hàng không và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng.

Hiện tại các sàn thương mại điện tử đang trong công tác chuẩn bị hàng hoá, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, dự kiến 3 - 4 ngày tới các sàn thương mại điện tử sẽ chính thức mở bán đợt vải thiều Bắc Giang một cách rộng rãi đến tay người tiêu dùng cả nước. 

Các sàn thương mại điện tử đã có phương án phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Nông Nghiệp & PTNT, Sở Công Thương Bắc Giang để đảm bảo xe giao hàng ra vào thông thoáng vừa đảm bảo khử khuẩn theo các yêu cầu chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sàn thương mại điện tử Sendo.vn sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên Facebook, Tiktok, Senlive để chốt đơn hàng loạt. Hoạt động nằm trong phần trọng tâm của chương trình phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Bắc Giang.

Độ phủ trên 60 tỉnh thành, đi hàng nghìn đơn mỗi ngày

Trước đó, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương, như “Ngày đặc sản Sơn La” (Sendo.vn), “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” (Sendo.vn), đẩy mạnh tiêu thụ Hành tím Sóc Trăng (Voso.vn).

Gần đây là chương trình tiêu thụ Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Các chương trình kể trên đều mang lại hiệu quả tích cực với hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, độ phủ trên 60 tỉnh thành.

Đây là lần đầu tiên bà con nông dân Bắc Giang biết đến mô hình bán hàng hiện đại này.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch Sendo chia sẻ: Không đợi đến dịch mà từ đầu năm 2021, Sendo cùng với Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Hải Dương qua thương mại điện tử trên Sàn Sendo.vn và đạt những thành công đáng khích lệ.

Sau mỗi chương trình chúng tôi càng hoàn thiện quy trình này hơn để mang thương mại điện tử đến với bà con nông dân cả nước một cách hiệu quả nhất, giúp bà con từng bước chủ động kết nối đầu ra cho sản phẩm.

Bà con trồng vải Bắc Giang phấn khởi tâm sự, đây là lần đầu tiên họ biết đến mô hình bán hàng hiện đại này, còn nhiều bỡ ngỡ lúng túng nhưng được chuyên gia các Sàn thương mại điện cùng với các cán bộ Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ giúp bà con từng bước tiếp cận với phương thức bán hàng mới, giờ thì thấy bán hàng online không khó khăn như trong suy nghĩ trước đây.

 Thanh niên Tỉnh Đoàn Bắc Giang giúp bà con thu hoạch vải thiều.

Sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post) khẳng định, đưa vải thiều Bắc Giang đạt chuẩn xuất khẩu lên sàn với thời gian giao đến tay khách hàng chỉ từ 6h - 48h sau thu hoạch.

Sàn Voso có lợi thế và điểm khác biệt so với các sàn thương mại điện tử khác do thừa hưởng mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp 63 tỉnh thành của Viettel Post với hơn 1.800 bưu cục, 6.000 điểm giao dịch, 25.000 điểm bán và 18.000 nhân viên bán hàng trực tiếp.

Vì vậy, không chỉ thực hiện hỗ trợ người dân Bắc Giang đưa vải lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post còn triển khai bán hàng qua hình thức offline. Theo đó, toàn bộ hệ thống cửa hàng trực tiếp, điểm bán, bưu cục, Hub của Viettel Post trên toàn quốc ở các vị trí tốt đều có gian hàng bày bán và giới thiệu sản phẩm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, niên vụ vải năm 2021, toàn tỉnh có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.

Nói về chất lượng của vải đạt chuẩn xuất khẩu năm nay, nhiều nông dân trồng vải cho biết, nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, vì thế mẫu mã chất lượng vượt trội so với các năm trước, quả to tròn mọng nước, không sâu cuống, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng và chăm sóc ở “vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19.

Đọc thêm