Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) diễn ra hôm qua (13/1).
Công tác phối hợp được đánh giá cao
Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, năm 2019, toàn lực lượng đã tiến hành kiểm tra trên 140.000 vụ việc, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Riêng công tác tái cơ cấu lực lượng, Tổng cục đã giảm được 235 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 70 đội vào năm 2020. Hiện Tổng cục cũng đã hoàn thiện đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh và thực hiện thu gọn đầu mối trong năm 2020.
Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa. Do đó, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đưa ra một số kiến nghị như đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung lực lượng QLTT được sử dụng xe có tín hiệu; xử lý những khó khăn về cơ sở vật chất khi chuyển giao từ địa phương về Tổng cục QLTT…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, khi tiến hành thành lập Tổng cục QLTT, công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và các địa phương là vấn đề mà Bộ lo lắng nhất. Do đó, lãnh đạo Bộ đánh giá cao công tác phối hợp giữa các địa phương trong công tác bàn giao và tổ chức cán bộ, đây cũng là kết quả được đánh giá tốt trong công tác của Tổng cục trong năm 2019.
Hiện Bộ Công Thương cũng đã ký quy chế phối hợp với 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoạt động của Tổng cục đảm bảo vẫn hoạt động theo mô hình ngành dọc nhưng vẫn phối hợp tốt với lực lượng 389 tại các địa phương trong hoạt động nghiệp vụ.
Thứ trưởng An cũng cho rằng, việc phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội cũng quan trọng không kém, góp thêm cho lực lượng QLTT nhiều “cánh tay nối dài” để các hoạt động phòng chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng An đề nghị, các lực lượng cần phối hợp tốt hơn nữa công tác giữa các đơn vị, nhất là trong trao đổi thông tin.
Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) Nguyễn Văn Tạo cũng đánh giá cao hoạt động của QLTT trong bối cảnh Tổng cục mới thành lập được hơn 1 năm nhưng đã có những nỗ lực rất lớn từ trung ương đến địa phương trong việc tái cơ cấu và công tác nghiệp vụ, nhất là phối hợp với các lực lượng khác, phá được nhiều vụ vi phạm lớn.
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Biên phòng Bùi Văn Lua cũng cho rằng, trong năm 2019, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng đã có sự chuyển biến, hoàn tất được nhiều vụ án lớn.
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Dự tổng kết công tác của lực lượng QLTT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác cán bộ của lực lượng QLTT với việc Bộ Công Thương đã có phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp nhận, triển khai kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự theo đúng trình tự quy định.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Tổng cục QLTT làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, trong năm 2019 lần đầu tiên lực lượng QLTT được tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên cao cấp thị trường.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận lực lượng QLTT đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Một số vụ việc nổi bật như 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới; chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; tham gia chuyên án của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý, các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng và QLTT cần phải phối hợp tốt hơn nữa để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính. Đồng thời cần lưu tâm sửa chữa các văn bản quy phạm pháp luật để có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các hoạt động gây ảnh hưởng đến thị trường, an toàn thực phẩm; Cần phải xử lý mạnh các hành vi làm giả hàng hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác xây dựng thể chế cho minh bạch, xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra các hiện tượng hàng gian lận thương mại; kiên quyết xử lý nếu có hiện tượng vi phạm pháp luật. Về các kiến nghị liên quan đến bổ sung, sử dụng xe có tín hiệu ưu tiên, các dự án đầu tư cơ sở, kiến nghị số thu để lại cho lực lượng QLTT để làm kinh phí hoạt động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương có văn bản kiến nghị đến các cơ quan liên quan để xử lý theo thẩm quyền.