Hướng đi mới trong đại dịch
Anh Lý Láo Tả (thôn Sả Séng, Sa Pa) là một trong những thành viên của Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn đang thực hiện chuyển hướng từ du lịch sang sản xuất nông nghiệp. Tham gia và kinh doanh du lịch từ năm 2018, nguồn thu từ các đoàn khách và dịch vụ cho thuê homestay đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến việc đón khách gần như ngưng trệ.
Không chấp nhận ngồi chờ du lịch hồi phục, anh đã quyết tâm tận dụng khu vực nông trại để chuyển hướng sang cung cấp sản phẩm nông nghiệp với việc trồng 40 gốc su su, 25 gốc chanh leo. Đến nay, su su bắt đầu cho thu hoạch quả, chanh cũng phát triển tốt và bắt đầu đậu hoa. Bên cạnh đó, anh nuôi thêm hơn 200 con gà và chăm sóc vườn lan của gia đình. Anh đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuốc tắm người Dao trên mạng xã hội, từ đó một số khách hàng vẫn đều đặn đặt hàng.
Nếu trước đây, 2 loại hình của du lịch nông thôn là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chiếm ưu thế, tạo nên giá trị chính thì nay, hình thức du lịch canh nông hay còn gọi là du lịch nông trại lại hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh đại dịch. Người làm du lịch tận dụng không gian nông trại, ứng dụng các kỹ thuật canh tác công nghệ cao và mang những sản phẩm này đến với các vùng tiêu thụ nông sản lớn sẽ tạo đầu ra cho sản phẩm du lịch.
Hiện khoảng 50% thành viên trong hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn đã chuyển đổi hình thức làm du lịch. Hiện nay, nhu cầu thực phẩm tại các thành phố lớn, nhất là những khu vực đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội là rất lớn. Vì vậy, chuyển hướng sang cung cấp các sản phẩm du lịch nông nghiệp là hướng đi mới được nhiều cơ sở du lịch thực hiện.
Anh Lý Láo Tả chia sẻ: “Đại dịch gây ra rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người làm du lịch. Chưa biết khi nào dịch sẽ qua đi và du lịch sẽ khởi sắc trở lại nên thay vì ngồi chờ đợi, tôi đã chuyển hướng công việc để có thu nhập, đồng thời tự tạo công việc cho bản thân và gia đình”.
Hơn thế, các sản phẩm của du lịch canh nông vốn đã có sức rất hấp dẫn với người tiêu dùng, đơn cử như ở tỉnh Lâm Đồng với các trang trại nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, trà, những sản phẩm này được hỗ trợ tới tận tay người dân trong mùa dịch sẽ để lại ấn tượng và cũng là một cách để quảng bá, thu hút người dân trở lại du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chờ tín hiệu phục hồi của du lịch
Thích ứng với hoàn cảnh là điều mà các đơn vị du lịch buộc phải có giải pháp để duy trì hoạt động giữa lúc dịch COVID-19 luôn diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở du lịch đã mạnh dạn đưa những nông sản sạch được sản xuất tại mô hình trang trại du lịch lên các sàn giao dịch điện tử, trở thành mặt hàng thiết yếu được nhiều gia đình lựa chọn trong mùa dịch.
Trước đây, khách du lịch phải đến trực tiếp tại địa phương để có thể chọn mua được những đặc sản thì nay, các cơ sở du lịch trở thành đầu mối để liên kết và cung cấp những đặc sản này đến tay người dân trong các thành phố lớn hiện không thể đi du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp cũng giúp quảng bá du lịch nông thôn, mang văn hóa đồng quê ra thành phố, tạo cơ hội trải nghiệm tại chỗ cho cư dân đô thị.
Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu là một trong những công ty du lịch đã từng bước chuyển đổi hoạt động, từ đơn vị lữ hành chuyên thị trường khách nước ngoài sang phát triển nông sản phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Giám đốc Công ty cho biết, dù quá trình làm du lịch, khách hàng hỏi rất nhiều về sản phẩm du lịch của Cần Thơ mua về làm quà, thế nhưng nguồn nông sản ở các làng quê tuy nhiều nhưng chưa được khai thác phù hợp. Do đó, trong chính mùa dịch này, ông đã chuyển sang sản xuất nông sản sấy dẻo và cũng tìm được thị trường cung ứng phù hợp, đó là miền Bắc và các đối tác ở hợp tác du lịch hành lang phía Nam.
Chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp, cung cấp thực phẩm cũng là để giữ chân được nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Tràng An đã chuyển sang kinh doanh gạo vì đây là mặt hàng thiết yếu. “Công ty giữ lại toàn bộ nhân viên điều hành du lịch để cùng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Cả Giám đốc và nhân viên đều nỗ lực tiếp thị, bán hàng hay giao hàng”, ông Cường cho biết.
Với những kinh nghiệm từ việc phát triển các nhà vườn, hệ sinh thái nông nghiệp phục vụ du lịch trước đó, kết hợp thêm kỹ năng mới, các nhân viên có thể giữ được công việc và thu nhập trong thời gian chờ tín hiệu phục hồi của du lịch.