Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) vừa có văn bản số 2883/SHTT-TTKN ngày 1/4/2013 xác định: “Hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm nước yến mang nhãn hiệu “Sanest Gò Công” là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Sanest” của Cty Yến sào Khánh Hòa - được quy định tại Điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản số 527/QLTT-CHG ngày 10/4/2013, chỉ đạo Chi cục QLTT hai tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Từ cuối năm 2012 đến nay, trên thị trường xuất hiện sản phẩm yến sào mang nhãn hiệu “Sanest Gò Công” có dấu hiệu nhái nhãn hiệu “Sanest” của Cty Yến sào Khánh Hòa. Viện khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã vào cuộc, tiến hành giám định chữ “Sanest” in trên bao bì và trên sản phẩm nước yến do HTX Thương mại Dịch vụ Gò Công, tỉnh Tiền Giang sản xuất.
Kết luận giám định của Viện này thể hiện: “Sản phẩm nước yến “Sanest Gò Công” của HTX Gò Công đã xâm phạm quyền bảo hộ đối với nhãn hiệu “Sanest” của Cty Yến sào Khánh Hòa, đã được bảo hộ theo Giấy chứng nhận, đăng ký nhãn hiệu số 64907 (GCNĐKNH) được quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP của Chính phủ”.
Cuối năm 2012 HTX Thương mại và Dịch vụ Gò Công mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cấp Giấy đăng ký kinh doanh với tên nước ngoài là “Sanest Gò Công”. Ngày 11/1/2013, Cục SHTT cũng có nhận được đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của HTX này.
Tuy nhiên, theo quy định, trong thời gian 2 tháng kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, các cơ quan chức năng tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện thì mới cấp Giấy đăng ký bảo hộ. Thế nhưng, trong khi chưa được cấp Giấy đăng ký bảo hộ, sản phẩm “Sanest Gò Công” đã được tung ra tiêu thụ trên thị trường.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật của HTX Thương mại và Dịch vụ Gò Công về quyền SHCN đối với nhãn hiệu “Sanest” của Cty Yến sào Khánh Hòa, bởi Cty đã đăng ký bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có văn bản số 527/QLTT-CHG ngày 10/4/2013 chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN. Yêu cầu Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang thực hiện ngay việc xác minh, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xử lý vụ việc về Cục QLTT trước ngày 30/4/2013.
Qua vụ việc trên, mong rằng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN, góp phần đấu tranh với những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thương trường, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất chân chính, cũng như bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Hùng Lượng