Đột phá công nghệ ở nhiều lĩnh vực phát thải “khổng lồ”
Ngành năng lượng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) lớn nhất, do đó, quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, xanh và sạch được ưu tiên hàng đầu. Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời đã có những bước phát triển vượt bậc tại Việt Nam. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), tính đến năm 2023, Việt Nam đã đạt 17GW công suất lắp đặt điện mặt trời, dẫn đầu khu vực ASEAN, với tổng công suất gần gấp đôi các quốc gia ASEAN khác cộng lại. Không chỉ mở rộng quy mô, lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam còn ghi nhận nhiều đột phá công nghệ quan trọng về mặt công nghệ, kỹ thuật. Các giải pháp tiên tiến như điện mặt trời kết hợp lưu trữ năng lượng (hybrid), điện mặt trời nổi trên mặt nước, cùng với việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa vận hành và kéo dài tuổi thọ hệ thống, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.
Trên thực tế, công nghệ IoT và AI từng được Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tích hợp vào nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng xanh thông minh sử dụng năng lượng mặt trời ứng dụng thử nghiệm tại vùng biên giới, hải đảo. Công trình này đã giành giải Ba giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) và đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.
Hệ thống chiếu sáng xanh thông minh sử dụng IoT và AI giúp đưa ra chiến lược điều khiển thích ứng nhằm nâng cao hiệu quả chiếu sáng, đồng thời dự báo, chẩn đoán các hư hỏng và nâng cao vòng đời sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Nghiên cứu còn khắc phục các vấn đề về hiệu suất pin, quá trình sạc/xả pin lưu trữ, công nghệ truyền dữ liệu tối ưu, ổn định. Hiện, mô hình thí điểm tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt với khả năng giao tiếp thông minh, chế độ hoạt động linh hoạt, tối ưu hoá chiến lược điều khiển, giảm thiểu thời gian kiểm tra và vận hành lưới đèn,…
Giống như năng lượng, giao thông vận tải cũng là ngành phát thải KNK lớn. Phần lớn phát thải đến từ các phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là phương tiện cá nhân. Để giảm thiểu KNK, Việt Nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm phát thải KNK. Đây là nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra trong Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của toàn ngành.
Trong đó, phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, giao thông bền vững là nền tảng thiết yếu. Chính phủ đã đề ra Chiến lược phát triển xe điện, với mục tiêu đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi sẽ sử dụng năng lượng điện, thay thế dần các xe sử dụng nhiên liệu diesel và CNG trong hệ thống vận tải công cộng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình này, VinFast là một trong những hãng xe tiên phong tại Việt Nam trong việc loại bỏ hoàn toàn xe xăng để tập trung vào sản xuất phân phối xe điện. Song song với đó, hệ thống metro tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục được mở rộng, giảm bớt sự phụ thuộc vào xe cá nhân và hạn chế phát thải từ giao thông đô thị.
Nông nghiệp cũng là một trong những ngành phát thải KNK đáng kể, do đó, việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến đột phá, cho thấy tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải KNK. Đáng chú ý, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những giải pháp quan trọng, vừa nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo, vừa góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Đề án hướng tới việc nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo, đồng thời tập trung vào các giải pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Từ vụ hè thu 2024, 7 mô hình thí điểm đã được triển khai tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Những mô hình này đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc giảm phát thải KNK, nhờ vào việc giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng.
Các giải pháp công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, cắt giảm phát thải KNK mà còn nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Điển hình, TH Group sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại để xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi hàng đầu, giúp giảm ít nhất 70% lượng khí metan phát thải. Đặc biệt, quá trình này còn tạo ra khí biogas để tái tạo thành điện năng, phục vụ hoạt động của các nhà máy, góp phần thúc đẩy mô hình sản xuất tuần hoàn và bền vững.
Cam kết và hành động mạnh mẽ từ các Bộ, ngành
Cùng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, các ngành trọng điểm về phát thải KNK đều đã đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể. Đơn cử, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Kế hoạch đặt mục tiêu lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp đến năm 2025, bằng nguồn lực trong nước, giảm ít nhất 36,2 triệu tấn CO2tđ; đến năm 2030, giảm ít nhất 55,5 triệu tấn CO2tđ. Lĩnh vực công nghiệp năng lượng sẽ giảm phát thải thông qua phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ và gần bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện, điện sinh khối, điện rác; phát triển tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí tự nhiên trong nước...
|
Giải pháp chiếu sáng xanh - thông minh sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ IoT và AI tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. (Ảnh: Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) |
Mặt khác, Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030 đã đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ. Để đạt được mục tiêu này, ngành Giao thông vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: kiểm soát mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới, phát triển giao thông công cộng, đẩy mạnh sử dụng xe điện và chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa. Theo đó, đến năm 2030, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng sẽ tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng và đường sắt đô thị. Kế hoạch còn khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, xe buýt điện, tăng hệ số tải của ô tô tải nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa.
Là một trong những kế hoạch hành động được ban hành sớm nhất vào năm 2023, Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK trong ngành Nông nghiệp đã đặt mục tiêu giảm 53,57 triệu tấn CO2tđ vào năm 2025 và 121,9 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030. Kế hoạch tập trung vào ba lĩnh vực chính: trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong trồng trọt, ưu tiên áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, quản lý phân bón hiệu quả và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng. Chăn nuôi sẽ cải thiện khẩu phần thức ăn, tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ. Lĩnh vực lâm nghiệp nhấn mạnh bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng phòng hộ, nâng cao trữ lượng carbon. Việc thực hiện kế hoạch này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn bảo vệ hệ sinh thái, tối ưu nguồn lực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero nhằm hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp giảm phát thải KNK.
Bằng quyết tâm mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam đang dần hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 bằng những bước đi cụ thể trong các lĩnh vực phát thải trọng yếu. Tuy vậy, hành trình hướng tới Net Zero vẫn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, cùng sự đồng lòng và quyết tâm cao độ.