Sáng kiến xây dựng lại 'thông minh' hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thiên tai có thể phá hủy toàn bộ cộng đồng, cơ sở hạ tầng và sinh kế, đòi hỏi những chiến lược bền vững để phục hồi. Sau mỗi thảm họa thiên tai, việc tái thiết không chỉ dừng lại ở khôi phục những gì đã mất mà cần xây dựng lại với khả năng chống chịu tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Thành phố Sendai xinh đẹp luôn đứng trước nguy cơ tiềm ẩn về động đất. (Ảnh: hiddenjapan.com)
Thành phố Sendai xinh đẹp luôn đứng trước nguy cơ tiềm ẩn về động đất. (Ảnh: hiddenjapan.com)

Quản lý thiên tai “thông minh” hơn

Nhiều thành phố trên thế giới đã và đang tiên phong triển khai các sáng kiến thông minh nhằm tăng cường khả năng chống chịu với diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan. Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thiên tai đến xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh giúp các đô thị giảm thiểu thiệt hại, đồng thời bảo vệ sự an toàn của cư dân, giúp họ phục hồi nhanh chóng hơn sau thảm họa.

Một ví dụ điển hình về sáng kiến thành phố thông minh chống chịu thiên tai là Sendai tại xứ sở hoa anh đào Nhật Bản. Sau trận động đất và sóng thần tàn khốc vào năm 2011, Sendai đã áp dụng hàng loạt biện pháp thông minh để bảo vệ thành phố khỏi các thảm họa thiên nhiên trong tương lai.

Đáng chú ý nhất, hệ thống cảnh báo sớm và quản lý thiên tai toàn diện bao gồm các thiết bị cảm biến động đất và sóng thần, hệ thống dự báo thời tiết chính xác, cùng với mạng lưới thông tin cho phép chính quyền địa phương cập nhật tình hình ngay lập tức cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông và ứng dụng điện thoại.

Thành phố cũng ban hành tiêu chuẩn yêu cầu thiết kế các toà nhà có khả năng chống chịu động đất ở mức độ cao hơn, đòi hỏi các nhà thầu xây dựng phải sử dụng các công nghệ như vật liệu hấp thụ năng lượng và khung thép chịu lực. Hầu hết các toà nhà mới được thiết kế để đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân trong trường hợp xảy ra động đất.

Cạnh đó, nhằm chống lại các nguy cơ từ mưa lớn và lũ lụt, Sendai đã cải tiến hệ thống thoát nước hiện đại hơn và sử dụng công nghệ thông minh để điều chỉnh dòng chảy nước một cách hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do ngập úng.

Tokyo, một thành phố khác của Nhật Bản, cũng nổi tiếng là một trong những thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi động đất nhất trên thế giới. Chính quyền thành phố đã triển khai các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để bảo vệ cơ sở hạ tầng và cư dân trước các tác động của thảm hoạ này. Điển hình là công nghệ “cắt giảm sóng chấn” được áp dụng trong thiết kế tòa nhà.

Các tòa nhà lớn ở Tokyo được xây dựng trên các khung thép với khả năng linh hoạt để hấp thụ chấn động từ động đất. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu nhẹ và khung móng cứng giúp các công trình giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất mạnh.

Đến nay, thành phố Tokyo sở hữu một trong những hệ thống cảnh báo động đất nhanh và hiện đại nhất thế giới. Các thiết bị cảm biến được đặt khắp thành phố, cho phép phát hiện động đất từ những giây đầu tiên, ngay lập tức cảnh báo người dân qua điện thoại di động và truyền hình. Điều này giúp người dân có thời gian sơ tán và chuẩn bị trước khi xảy ra sự cố.

Các đô thị đang dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. (Ảnh: United Nations)
Các đô thị đang dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. (Ảnh: United Nations)

Thành phố Christchurch (New Zealand) cũng từng trải qua trận động đất kinh hoàng vào năm 2011. Sau thảm hoạ này, Christchurch đã học hỏi từ các sai lầm trong quá khứ và tiến hành tái thiết thành phố theo hướng thông minh và bền vững. Nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn, chính quyền thành phố đã ban hành các tiêu chí về giảm thiểu thiệt hại từ các trận động đất trong tương lai.

Cùng với việc cải tiến công nghệ trong xây dựng các công trình mới có khả năng hấp thụ năng lượng từ các cơn địa chấn và có khả năng chịu lực tốt hơn, Christchurch cũng đã triển khai hệ thống thoát nước thông minh để đối phó với ngập lụt, giảm thiểu rủi ro từ lũ lụt sau các cơn mưa lớn. Thành phố cũng triển khai hệ thống giao thông thông minh giúp điều hướng và phân luồng giao thông một cách hiệu quả, tránh tình trạng tắc nghẽn và bảo đảm an toàn khi xảy ra thảm họa.

Thành phố New Orleans (Hoa Kỳ) cũng là một hình mẫu cho sáng kiến thành phố thông minh kể từ sau thảm họa bão Katrina năm 2005. Hệ thống đê điều của thành phố đã được tái thiết với công nghệ hiện đại hơn, nhằm ngăn chặn nước biển dâng cao trong các cơn bão lớn, bao gồm các trạm bơm nước tự động hoạt động ngay khi mực nước vượt ngưỡng an toàn.

Đáng nói, chính quyền thành phố đã cho xây dựng các khu vực đệm xanh dọc theo bờ sông Mississippi và các đầm lầy xung quanh để giảm tác động của lũ lụt. Những khu vực này đóng vai trò như một tấm chắn tự nhiên, giảm thiểu sức mạnh của nước khi nó tràn vào thành phố. Hệ thống cảm biến được triển khai để giám sát mức nước, áp suất không khí và tình trạng bão, cho phép chính quyền thành phố cảnh báo sớm và ra lệnh sơ tán trước khi bão đổ bộ.

Một ví dụ tiên phong khác về giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu là thành phố Rotterdam (Hà Lan). Trước các nguy cơ về mực nước biển dâng cao, chính quyền đã dự đoán từ sớm và phát triển một loạt các giải pháp thông minh để bảo vệ thành phố khỏi nguy cơ ngập lụt. Tại Rotterdam, các công viên thoát nước được thiết kế và xây dựng để chứa nước khi mưa lớn. Khi mực nước dâng cao, công viên sẽ trở thành hồ chứa nước tạm thời, ngăn ngập úng trong các khu vực dân cư.

Thành phố cũng sử dụng các đê chắn sóng di động có thể mở ra và thu lại khi cần thiết, giúp bảo vệ thành phố khỏi những đợt sóng lớn từ biển. Các hệ thống cảnh báo và quan trắc hiện đại liên tục được cập nhật để theo dõi mực nước và tình trạng thời tiết, góp phần giúp các nhà quản lý đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Cộng đồng là yếu tố quyết định

Khi thiên tai xảy ra, người dân chính là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Họ cũng là những người hiểu rõ nhất về nhu cầu và nguyện vọng của mình. Việc tham gia của cộng đồng trong quá trình tái thiết giúp đảm bảo các giải pháp phù hợp với thực tế. Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có thể đóng góp vào quá trình phục hồi, từ những việc nhỏ như hỗ trợ lẫn nhau cho đến tham gia vào các hoạt động tái thiết quy mô lớn hơn. Khi cộng đồng có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, sự đồng thuận và cam kết thực hiện các giải pháp tái thiết sẽ được củng cố, từ đó giảm thiểu xung đột và tăng cường sự hỗ trợ.

Quá trình tham gia giúp xây dựng lòng tin giữa chính quyền và cộng đồng, khuyến khích họ tham gia tích cực vào quá trình khôi phục và tái thiết. Các ví dụ điển hình như tại Nepal sau trận động đất năm 2015, các cộng đồng địa phương đã tích cực tham gia vào các hoạt động khôi phục, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và tạo ra những giải pháp bền vững hơn. Tại Haiti, sau trận động đất 2010, cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng, giúp cải thiện chất lượng các công trình, giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Thành phố Christchurch ưu tiên công nghệ xác định nguy cơ từ nước biển dâng, bão, sóng thần ở khu vực ven biển. (Ảnh: SmartCitiesWorld)
Thành phố Christchurch ưu tiên công nghệ xác định nguy cơ từ nước biển dâng, bão, sóng thần ở khu vực ven biển. (Ảnh: SmartCitiesWorld)

Dù vậy, để cộng đồng phát huy tốt nhất vai trò của mình, rất cần có các chiến lược dài hạn nhằm khôi phục nền kinh tế địa phương, bao gồm các biện pháp hỗ trợ tài chính, phát triển kỹ năng và tạo việc làm mới. Thực tế cho thấy, sau các thảm hoạ như trận động đất và sóng thần tại Indonesia năm 2004, bão Haiyan ập vào Philippines năm 2013, các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã kịp thời cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, các khóa đào tạo và phát triển kỹ năng cho người dân bị ảnh hưởng. Trên nền tảng đó, họ có thể tái khởi động công việc hoặc tìm việc làm mới, xây dựng lại đời sống ổn định và phục hồi sinh kế nhanh chóng hơn.

Đọc thêm