Lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có thể kể ra những tấm gương như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với quyết sách “khoán hộ” năm 1966; là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành chính sách khoán 100 và khoán 10, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Có thể kể đến nữ Anh hùng Lao động Ba Thi với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo tại TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1978, góp phần bỏ chế độ bao cấp gạo; cũng phải nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam...
Thành quả của những tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mang lại cho xã hội là không nhỏ.
Thế nên tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thi đua, khen thưởng là động lực nhằm phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ chế độ chính trị, xã hội. Đây cũng là công cụ quản lý quan trọng xây dựng con người mới, khơi dậy trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, Khen thưởng nhằm đảm bảo chính xác, kịp thời, minh bạch; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, biên giới, hải đảo; giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đồng quan điểm, đánh giá cán bộ dám nghĩ, dám làm là những người có tư duy sáng tạo, cách làm hay để giải quyết nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có nhưng không phù hợp với thực tiễn. Những giải pháp này mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Thực tế, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 ngày 22/9/2021 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, vì lợi ích chung.
Thế nhưng thực tế cũng cho thấy, nếu các chủ trương này chưa được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật cụ thể, chi tiết, chưa quy định rõ như thế nào là sáng tạo, thế nào là “vượt lằn ranh đỏ”; thì sức sáng tạo của cán bộ và của cả xã hội chưa được khơi dậy.
Thậm chí với một số người còn “lách chủ trương”, lấy danh nghĩa “sáng tạo” để vi phạm pháp luật, thành các vụ án. Và khi vi phạm được phát hiện xử lý, thậm chí lại mang đến hệ quả những người dám thực sự sáng tạo với động cơ trong sáng sẽ… không dám làm gì nữa, sợ rủi ro.
Như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nói rõ “nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu chùng xuống, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm”.
Dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2022 tới đây. Những ý kiến góp ý như trên rất đáng để Quốc hội lưu ý.