Sao Paulo áp dụng biện pháp “ma cũ” nhường chỗ cho “ma mới” trong dịch COVID-19

(PLVN) - Sao Paulo, TP lớn nhất của Brazil đang phải đào xương người đã an táng 3 năm trở về trước và cất hài cốt của họ trong các thùng kim loại lớn để lấy chỗ an táng mới khi số người tử vong do COVID-19 không ngừng gia tăng.
Một nhân viên nghĩa trang khai quật thi thể đã được chôn cất ba năm trước tại nghĩa trang Vila Formosa ở Sao Paulo, Brazil hôm 12/6/2020. Ảnh: AP
Một nhân viên nghĩa trang khai quật thi thể đã được chôn cất ba năm trước tại nghĩa trang Vila Formosa ở Sao Paulo, Brazil hôm 12/6/2020. Ảnh: AP

Hãng tin AP đưa tin, Dịch vụ tang lễ TP Sao Paulo cho biết, họ sẽ khai quật hài cốt của những người đã chết ít nhất ba năm về trước, để vào các túi được đánh số và lưu trữ tạm thời trong 12 container. Các container sẽ được chuyển đến một số nghĩa trang trong vòng 15 ngày.

Giám đốc Dịch vụ tang lễ TP Sao Paulo, Thiago Dias da Silva, nói với mạng lưới Globo rằng, các container đã được sử dụng trước đây và chúng thực tế, có giá cả phải chăng hơn so với việc xây dựng các chỗ để hài cốt mới.

Sao Paulo là một trong những điểm nóng COVID-19 tại quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch VID-19 ở Mỹ Latinh này, với 5.480 người chết (tính đến ngày 11/5) trong tổng số 12 triệu dân.

Các chuyên gia y tế đang lo ngại về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới khi các bệnh viện giảm tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt xuống còn khoảng 70%, nhưng Thị trưởng Bruno Covas đã cho phép mở lại một phần hoạt động kinh doanh, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona vì sự chủ quan của người dân.

Nhiều chuyên gia y tế dự đoán đỉnh điểm của đại dịch tại Brazil sẽ đến vào tháng 8, khi nó lan rộng từ các TP lớn. Cho đến nay, loại virus này đã giết chết gần 42.000 người Brazil và Brazil đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành quốc gia có số người chết cao thứ hai thế giới (tính đến 12/6).

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc cấp cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết, tình hình dịch COVID-19 ở Brazil vẫn còn nhiều lo ngại, tỷ lệ lấp đầy giường chăm sóc đặc biệt hiện dưới 80% ở hầu hết các khu vực của đất nước.

Đọc thêm