Những cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng SIM rác gọi đến điện thoại bàn hoặc điện thoại di động của nạn nhân, mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... để thông báo về việc chủ thuê bao có liên quan trong một tổ chức tội phạm (thường là có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy) mà cơ quan điều tra Bộ Công an hoặc Công an một số thành phố lớn (như TPHCM, TP Hà Nội,...) đang điều tra, nếu không hợp tác sẽ tiến hành bắt giữ ngay.
Tiếp đó bị hại sẽ được “hướng dẫn” chuyển tiền qua một tài khoản được chỉ định là của “cơ quan chức năng” với mục đích xác minh sự hợp pháp của tài sản? trong trường hợp không vi phạm bọn chúng hứa sẽ trả lại tiền, đồng thời yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật. Nhiều người vì tâm lý lo sợ dính dáng đến pháp luật, một phần vì thiếu hiểu biết nên đã làm theo, kết quả tội phạm đâu chả thấy chỉ thấy mất hết tiền.
Cũng bằng cách sử dụng điện thoại, các đối tượng gọi điện đến một số điện thoại bàn, cụ thể khi chủ thuê bao bốc máy, hệ thống trả lời tự động sẽ thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước phí (khoảng 7-8 triệu đồng), nếu không thanh toán trong ngày thì thuê bao sẽ bị cắt liên lạc, thậm chí xử lý hình sự. Vì đây là hình thức lừa đảo mới xuất hiện, cộng thêm số tiền cũng không quá lớn nên nhiều người đã gọi tới số mà kẻ lừa đảo chỉ định, khi liên lạc tới số được cho là “hệ thống” sẽ một người tự xưng là nhân viên nhà mạng xác nhận thông tin chủ thuê bao nợ cước là hoàn toàn chính xác, yêu cầu thanh toán số tiền trên bằng nhiều cách hoặc gọi vào số của tổng đài khác, trường hợp nạn nhân gọi vào số điện thoại tổng đài tự động này sẽ phát sinh cước phí và số tiền đó sẽ được chuyển vào tài khoản những kẻ lừa đảo. Những số điện thoại này chính là những đầu số tổng đài tự động hoặc sử dụng hình thức gọi điện thoại qua internet để mạo danh, cũng như che dấu tung tích của thủ phạm thực hiện hành vi lừa đảo này.
Số tiền nạn nhân chuyển cho các đối tượng lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng |
Lừa đảo thông qua mạng xã hội
Đây được cho là hình thức lừa đảo phổ biến nhất. Chị V.T.M.K (trú tại TP.Biên Hòa), một nạn nhân chia sẻ: “Tôi có quen một người thông qua mạng xã hội Facebook tên là Thái Minh Tâm cư trú ở nước ngoài, sau một thời gian nhắn tin, ngày 10/5, người đó có đề nghị gửi số tiền một triệu đô về Việt Nam và cho tôi 40 ngàn đô tiền cất giữ, tôi nhận lời. Mấy ngày sau, có một người tự xưng nhân viên hải quan, gọi điện thoại báo tôi có một gói hàng từ nước ngoài gửi về và yêu cầu đóng phí hải quan sân bay là 40 triệu đồng. Vì nghĩ là số hàng của Thái Minh Tâm nên tôi đã chuyển tiền theo số tài khoản mà chúng chỉ định, sau đó tôi lại nhận được cuôc gọi thông báo bưu kiện phải đi qua máy quét của hải quan sân bay nên số tiền đã bị phát hiện, nếu muốn lấy số tiền phải đóng 1% số tiền tương ứng với 10.400 USD. Lúc đó tôi đã trả lời không có đủ tiền thì họ nói sẽ hỗ trợ 1 nửa số tiền nộp là 120 triệu đồng. Vì nghĩ để nhanh chóng hoàn thành thủ tục hải quan để nhận số tiền nên tôi tiếp tục nộp tiền vào tài khoản của bọn chúng. Chưa được bao lâu tôi lại nhận được cuộc gọi thông báo số tiền đã bị cảnh sát bắt giữ và yêu cầu tôi đóng thêm 80 triệu tiền phạt. Lúc đấy mới nhận ra mình bị lừa nên đã làm đơn trình báo Công an”.
Cũng qua mạng xã hội, ông P.Đ.B nhận được tin nhắn với nội dung trúng thưởng các phần quà có giá trị bao gồm: 01 xe SH 150i, một phiếu quà tặng có trị giá 200 triệu đồng. Để tạo lòng tin, chúng cho đăng tin danh sách người trúng thưởng có tên, tuổi, địa chỉ kèm theo số điện thoại trên trang Hoso....com và liên hệ trực tiếp với số công ty 089924... để tiến hành làm thủ tục. Sau đó nhân viên công ty đã hướng dẫn ông đóng các khoản tiền gồm tiền hồ sơ, tiền thuế, phí vận chuyển, phí bảo hiểm tài sản. Kết quả, ông bị lừa tổng số tiền 55 triệu đồng.
Khi đã lừa nạn nhân vào tròng, những kẻ lừa đảo “bòn rút” nạn nhân đến khi họ không còn khả năng tài chính |
Người dân cần đề cao cảnh giác
Theo thống kê sơ bộ của Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP.Biên Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 40 vụ lừa đảo bằng các hình thức trên, tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Đây chỉ là số vụ các nạn nhân trình báo còn thực tế nhiều vụ người bị lừa không trình báo do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Trung tá Lê Hồng Hải – Đội trưởng đội Cảnh sát Hình sự Công an Tp. Biên Hòa cho biết: “qua quá trình xác minh, đa số những tài khoản ngân hàng nhận tiền trong các vụ lừa đảo nói trên đều là tài khoản ngân hàng giả, có nhiều tài khoản được lập ở nước ngoài. Đây là lỗ hổng từ phía các ngân hàng trong công tác quản lý, xác minh đầu vào. Thậm chí các đối tượng còn tạo nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo”.
Qua những vụ việc trên, dễ dàng nhận thấy những kẻ lừa đảo đa số sử dụng các thủ đoạn đánh vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng mà chúng hướng tới thường là phụ nữ và người già.
“Để tránh bị những kẻ xấu lợi dụng, người dân không nên tự ý làm theo lời của người lạ, không nhận đồ từ những người không quen biết qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Nếu gặp những trường hợp có người tự xưng là cơ quan chức năng, người dân cần liên hệ với cơ quan công an theo số đường dây nóng để được hướng dẫn giải quyết, tránh tình trạng mất mát tài sản” Trung tá Hải nhấn mạnh.