Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, từ 15/7 này, các ngân hàng thương mại phải tập trung xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ.
|
Ảnh minh họa |
Sẽ điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm
Tại hội nghị ngành vừa diễn ra cuối tuần trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, lãi suất huy động và cho vay đã giảm nhanh và mạnh. Tuy nhiên, lãi suất thấp hiện chủ yếu mới tập trung ở các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ phần lớn vẫn phải chịu lãi suất khá cao.
Trước thực tế trên, người đứng đầu NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại ngay trong tuần này phải chuẩn bị, có văn bản chỉ đạo trên toàn hệ thống để từ ngày 15/7 tập trung xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ.
Theo Thống đốc Bình, lãi suất đối với các khoản vay cũ được hình thành từ trước khi thực hiện cơ chế áp trần lãi suất cho vay cần được giảm xuống chí ít là còn 15%/năm, phấn đấu có được các mức thấp như mặt bằng các khoản vay mới hiện nay.
“Nếu DN đã khó khăn, không có khả năng trả nợ gốc thì việc ghi lãi suất cao không có ý nghĩa gì, nhưng gây phản cảm với xã hội. Còn với DN có thể vượt qua khó khăn mà vẫn duy trì lãi suất cao thì không phải là chia sẻ với DN”- Thống đốc phân tích.
Triển khai từ tuần này
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Thanh, Tồng giám đốc Vietcombank, cho biết là Vietcombank hiện chỉ có 25% khối lượng tín dụng có lãi suất trên 15%/năm nên ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo của Thống đốc. Ông Thanh cam kết, sau hội nghị, tín dụng cho vay lưu động đối với các DN đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không quá 15%/năm, kể cả tín dụng dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực không khuyến khích.
Với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay của Vietcombank lãi suất không quá 11%/năm và 12-13%/năm với các DN thông thường khác. “Để chia sẻ với DN thì hiện tại biên lợi nhuận lãi vay của Vietcombank chỉ khoảng 2% đủ đáp ứng chi phí hoạt động. Doanh thu tín dụng của Vietcombank vì thế cũng giảm khoảng 2.000 tỷ”- ông Thanh tiết lộ.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng được 0,76% so với cuối năm 2011, nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu DN và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%. Mức tăng này được coi là rất thấp và chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Để cải thiện, trong 6 tháng cuối năm 2012, lãnh đạo một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Agribank… cho biết sẽ tập trung giải ngân với chỉ tiêu tín dụng tăng trên 10%.
Một trong các giải pháp mà NHNN đưa ra trong 6 tháng cuối năm, đó là theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn hệ thống và từng TCTD. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8-10%.
NHNN cũng sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động của các DN theo các ngành kinh tế để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Chủ động làm việc ngay với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các địa để phối hợp tìm các giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có giải pháp hợp lý xử lý nợ xấu của DN và ngân hàng tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.
Bách Linh