Tiền đề để giảm hàng ngàn lao động
Sau những quyết định về tổ chức bộ máy gây chú ý ở Bộ Công thương, ngành Dầu khí và Điện lực cũng đang khiến dư luận quan tâm vì các quyết định điều động, bổ nhiệm lại nhân sự do có sự biến động tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Theo đó, ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 4 Ban quản lý dự án Thủy điện trước đây nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn cả nước, nay được hợp nhất lại thành 2. Cụ thể, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 (Quảng Bình) và Ban Quản lý dự án Thủy điện 1 (Hà Nội) phải về chung một “nhà”, với tên gọi mới là Ban Quản lý dự án điện 2 (EVNPMB2).
Ban Quản lý dự án điện 3 (EVNPMB3) cũng được thành lập trên cơ sở nhân lực, tài sản và cơ sở vật chất của 2 đơn vị đóng ở Tây Nguyên và TP.HCM, đó là Ban Quản lý dự án Thủy điện 5, Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 và một số nhân lực từ Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thường thì, việc thu gọn đầu mối sẽ kéo theo những biến động nhân sự - người đi, người ở, người vui, người buồn… nhưng về đại cục, bộ máy sẽ bớt cồng kềnh, chi phí giảm, cấp Phó cũng giảm… qua đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có những Tập đoàn như EVN.
“Thực hiện việc ghép Ban, tới đây chúng tôi phải chuyển về Hà Nôi công tác vì trụ sở chính đóng ở Hà Nội. Có thể nhìn thấy phía trước là những khó khăn, nhưng đó là chủ trương chung, nên chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua”, một cán bộ của một Ban thuộc diện phải hợp nhất kỳ này nói.
Có thể thấy, đây là thời điểm EVN đã cùng lúc ban bố nhiều quyết định nhất từ trước đến này để tái cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy. Cụ thể, bên cạnh việc hợp nhất các đơn vị nói trên, một số đơn vị khác như Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN và Ban Quản lý Dự án Thủy điện 1 (trên cơ sở Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La) cũng được thành lập. Ngoài ra, các Công ty Dịch vụ Điện lực và Công ty Dịch vụ Truyền tải điện thuộc các Tổng công ty Điện lực miền và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - cũng đã “chào sân” để thực hiện những nhiệm vụ mới theo đòi hỏi của thị trường.
“Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp có tính bước ngoặt lần này là tiền đề quan trọng để Tập đoàn từng bước tinh gọn bộ máy trong vòng 3 đến 5 năm tới, với mục tiêu giảm được hàng ngàn lao động”, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định với PLVN.
Hoàn thành tái cơ cấu bộ máy điều hành
Đại diện truyền thông Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tuần trước cũng vừa loan báo, Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu bộ máy điều hành, đồng thời cũng hoàn thành việc hợp nhất các cơ quan chuyên trách của Đảng với các Ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng thuộc Tập đoàn nay.
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn (trái) trao quyết định Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp cho ông Trần Quang Dũng |
Theo đó, trên cao, nhiều “sếp” lớn PVN đã được điều động nhận nhiệm vụ mới hoặc từ cơ sở được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng trong Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Ở cấp thấp hơn, PVN đã ra quyết định thành lập Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở hợp nhất một số chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn và nhiệm vụ Truyền thông và quan hệ công chúng của Văn phòng Tập đoàn. Tiếp đó, đã thành lập Ban Tổ chức và Quản trị nguồn nhân lực trên cơ sở hợp nhất một số chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Đảng ủy Tập đoàn với chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản trị nguồn nhân lực. PVN còn cho thành lập Ban Pháp chế và Kiểm tra trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn với chức năng, nhiệm vụ của Ban Pháp chế - Thanh tra…
PVN và EVN là những trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng Quốc gia, với số lượng lao động lên tới hàng chục vạn người, hàng năm có lợi nhuận và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Việc chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp và tổ chức lại bộ máy là cần thiết, giúp các Tập đoàn Nhà nước tiếp tục chứng minh vai trò “ông lớn” thực sự của mình trong nền kinh tế.