"Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ tiếp diễn"

“Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện…”. Đó là một trong những nhận định đáng chú ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

“Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện…”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong bài phỏng vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đăng trên website Ngân hàng Nhà nước chiều 9/5.

Đánh giá về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các ngân hàng thương mại lành mạnh tích cực hỗ trợ thanh khoản bảo đảm khả năng chi trả của ngân hàng thương mại yếu kém và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đến nay, chi trả tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra bình thường, không để xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn.

Thống đốc Bình khẳng định thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, nhờ đó góp phần quan trọng cho việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất.

“Điều quan trọng là huy động vốn ở nhiều ngân hàng thương mại yếu kém đang triển khai cơ cấu lại không bị giảm và các khoản tiền gửi mới tại các ngân hàng thương mại đó đã trở lại cho thấy lòng tin của công chúng được duy trì ổn định ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay.

Thống đốc cho biết thêm, đến nay, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Vì vậy, nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được giảm thiểu. Hoạt động thị trường tiền tệ, tín dụng diễn ra bình thường và theo chiều hướng tích cực hơn kể từ khi triển khai các biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, Thống đốc Bình tiết lộ nhiều ngân hàng thương mại yếu kém đã và đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đầu tư, tăng vốn và tham gia xử lý những khó khăn tài chính, đổi mới hệ thống quản trị. Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện với sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời về một số ý kiến còn nghi ngờ về hiệu quả của việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định chủ trương của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước không coi sáp nhập, hợp nhất là điểm kết thúc hay mục tiêu của cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Sáp nhập, hợp nhất chỉ biện pháp cơ cấu lại pháp nhân, vì vậy nó cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp cơ cấu lại và trong nhiều trường hợp chỉ là bước đi đầu tiên trong chuỗi các hành động cơ cấu lại tổ chức tín dụng cụ thể.  

“Nguyên tắc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém về cơ bản theo trình tự trước hết bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tín dụng, áp dụng các biện pháp kiểm soát, giám sát thích hợp, thực hiện sáp nhập, hợp nhất tự nguyện hoặc bắt buộc (khi cần thiết) và cơ cấu lại tài chính, quản trị, hoạt động”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước làm gì để nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng sau cơ cấu lại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Cơ quan này sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin; đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là cổ đông hoặc có vốn góp tại các tổ chức tín dụng phải có kế hoạch hợp lý thoái vốn đầu tư và chấm dứt kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Ngoài ra sẽ có các biện pháp để hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn đối với ngân hàng thương mại cổ phần.

Kiên quyết xử lý đối với các cổ đông lớn, người có liên quan vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức tín dụng sở hữu vốn chéo lẫn nhau.

Lộ trình triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
- Năm 2011 -2012: Tập trung đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đánh giá và phân loại tổ chức tín dụng; xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trong đó ưu tiên xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tập trung hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng; triển khai sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng; tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị.

- Năm 2013:  Hoàn thành căn bản việc sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục triển khai lành mạnh hóa tài chính (bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ), cơ cấu lại hoạt động và quản trị của các tổ chức tín dụng; hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của các ngân hàng thương mạiCP yếu kém.

- Năm 2014-2015: Hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của tổ chức tín dụng; Các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ mức vốn điều lệ thực và các chuẩn mực, giới hạn an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định pháp luật; tiếp tục triển khai cơ cấu lại hoạt động và quản trị; tiếp tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện.

Theo NDHMoney

Đọc thêm