Sáp nhập VinaPhone và MobiFone – vẫn là ẩn số

Trong khi thông tin về việc sáp nhập hai mạng di động VinaPhong và MobiFone khiến cho thị trường viễn thông di động thêm một phen nổi sóng, thì lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Bộ chưa có quyết định đồng ý cho hai mạng này sáp nhập.

  Trong khi thông tin về việc sáp nhập hai mạng di động VinaPhong và MobiFone khiến cho thị trường viễn thông di động thêm một phen nổi sóng, thì lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Bộ chưa có quyết định đồng ý cho hai mạng này sáp nhập.   

Mong muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone đã chính thức được lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xác nhận với báo giới, khi ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cho hay, trong đề án tái cấu trúc lần này, VNPT sẽ tiến hành sáp nhập hai mạng di động MobiFone và VinaPhone làm một và sẽ giữ lại hệ thống hạ tầng. Đồng thời, sau khi sáp nhập, hai DN sẽ dùng chung hạ tầng, đầu số di động mà khách hàng đang sử dụng của VinaPhone và MobiFone vẫn được giữ nguyên.

Trước đó, tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trong đó quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ. Với nghị định này, VNPT buộc phải lựa chọn, hoặc là cổ phần hóa một trong hai mạng viễn thông và được giữ lại 20% vốn điều lệ, và hai là hợp nhất giữa VinaPhone và MobiFone thành một.

Quyết định cuối cùng về việc sáp nhập quan trọng làm thay đổi cục diện thị trường viễn thông Việt Nam vẫn đang chờ sự quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong khi VNPT đưa ra phương án này, thì trong nội bộ ngành thông tin và truyền thông, vẫn còn nhiều ý kiến chưa tán thành.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho rằng, trong trường hợp VNPT sáp nhập VinaPhone và MobiFone thì trên thị trường chỉ còn hai mạng di động lớn của Viettel và VNPT. Như vậy sẽ không thể giữ được thị trường theo thế chân vạc với các mạng ngang tài ngang sức đi cùng thị phần tương đương nhau, và sẽ không duy trì được một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.

Liên quan đến phương án sáp nhập hai mạng di động của VNPT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, hiện Bộ này vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

“Quan điểm của Bộ Thông tin và truyền thông trong việc cơ cấu lại các DN nhà nước, trong lĩnh vực viễn thông trong đó có VNPT, là phải đảm bảo cho các DN này phải hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và khả năng cạnh tranh phải cao hơn. Thứ hai, việc xem xét cơ cấu DN viễn thông nào đó trong đó có VNPT thì cần phải xem xét một cách tổng thế để bảo đảm không chỉ lợi ích cho DN mà còn phải đảm bảo đem lại lợi ích cho toàn xã hội” - Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Theo ông Thắng, có nhiều phương án tái cơ cấu đối với các DN như sáp nhập hoặc chia tách, nhưng phương án nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc DN hoạt động hiệu quả hơn và thị trường phát triển bền vững, không có độc quyền và cũng không có cạnh tranh quá mức.  

Bách Nguyễn

Đọc thêm