Sắp Tết, vẫn khó dự báo nhu cầu tiêu dùng

(PLVN) -  Sau thời gian giãn cách xã hội, một số xu hướng tiêu dùng xuất hiện gây khó khăn cho sự phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khi Tết Nhâm Dần sắp tới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thu được những tín hiệu rõ nét từ nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp khó dự báo sức mua của người tiêu dùng sau đại dịch, dù Tết Nguyên đán sắp đến

Người tiêu dùng không còn mặn mà các hoạt động kích cầu

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op mart cho rằng, sau những áp lực phải đối mặt với dịch COVID-19, trong thời gian tới sẽ có khá nhiều xu hướng tiêu dùng mới xuất hiện, cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng Việt. Đáng lo ngại là việc tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch, sinh thái, truy xuất nguồn gốc... đang có dấu hiệu bị chững lại.

Theo ông Đức, trước đây, do công tác tuyên truyền nên người tiêu dùng (NTD) đã có những thói quen lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ… Tuy nhiên, sau dịch bệnh, xu hướng này có dấu hiệu chậm lại. Một bộ phận NTD không còn quá phân biệt, quan trọng về sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch... so với những sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, việc không còn mặn mà với các hoạt động kích cầu hàng Việt, đặc biệt sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư cũng đáng lưu ý. Lần đầu tiên trong 2 - 3 năm qua, chỉ số niềm tin NTD Việt Nam trong quý III/2021 chỉ ở mức 105 điểm, thấp hơn nhiều so với chỉ số niềm tin NTD ở mức 126 điểm của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Đây là điều mà các đơn vị kinh doanh sản xuất cần lưu ý bởi không phải cứ giảm giá là NTD mua hàng. Có thể hiện nay, khả năng và nhu cầu mua sắm của NTD, khả năng kinh doanh B2B, B2C có những biến động, thay đổi khác nhau. Do đó đòi hỏi chuỗi sản xuất hàng Việt cần có sự sáng tạo, kết nối mang tính đặc thù hơn để có thể kích cầu hàng Việt mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” - ông Đức nói.

Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ ở từng khâu đang xảy ra sau đợt bùng phát dịch thứ tư và dự báo sẽ còn tiếp tục xảy ra cũng đã khiến cho việc bán hàng đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, hàng hóa nông sản không thiếu nhưng lại thiếu bao bì cho các mặt hàng đó nên nhiều doanh nghiệp (DN) phải chuyển sang bán theo kg, theo lố như cách thức cũ, không phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại hiện nay. Nguyên nhân chính là do đứt gãy ở nguồn cung ứng nguyên liệu để sản xuất bao bì cho các mặt hàng đó.

Khó dự báo sức mua của người tiêu dùng

Chuẩn bị đến thời điểm cung ứng một lượng lớn hàng hóa cho Tết Nguyên đán nhưng theo nhiều đơn vị, DN, đến thời điểm này, họ vẫn chưa thể dự báo chính xác sức mua để lên kế hoạch nhập nguyên liệu đầu vào, sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo lượng hàng hóa chất lượng, cung ứng cho thị trường, giữ uy tín và thương hiệu hàng Việt đã được gây dựng thời gian qua đối với thị trường và NTD.

Ông Đức khẳng định, công tác dự báo, kế hoạch kinh doanh hàng Việt cho thời gian sắp tới sẽ có nhiều xáo trộn và biến động. Hiện nhiều DN, nhà cung cấp, kể cả các DN đầu tư nước ngoài xuất hàng sang Việt Nam cũng không dự báo được tình hình, diễn biến thị trường; đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và năm 2022 nhưng không ít DN lo lắng, chưa có định hướng rõ nét về kế hoạch và nhu cầu tiêu dùng.

Sài Gòn Co.op hiện cũng đã phải có công tác kế hoạch riêng, khác biệt với từng tỉnh, thành bởi quan điểm hành động của từng địa phương khác, chính sách ứng phó với COVID-19 của mỗi địa bàn khác nhau cần có những điều chỉnh cho phù hợp.

Vì vậy, cần có sự hỗ trợ, tác động từ các bộ, ngành để công tác kế hoạch, dự báo cần sát thực hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn định hướng cho chuỗi cung ứng hàng Việt, cho các khâu kết nối cung - cầu hàng Việt.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG đánh giá, thị trường nội địa đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều DN sau một thời gian chinh phục thị trường quốc tế đang có sự chuyển dịch lớn khi quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Các đơn vị này sẽ có những nghiên cứu và điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm phù hợp hơn với NTD nội địa. Thị trường sẽ có thêm nhiều sự cạnh tranh từ đây và NTD sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, những thay đổi đáng kể về xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới có thể sẽ gây khó khăn cho nhà sản xuất khi họ quyết định quay trở về. Điều này khiến cho nhà sản xuất, đơn vị phân phối rất khó để định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sau COVID-19.

Do đó, Bộ Công Thương cần có những báo cáo hàng tháng về xu hướng thị trường và những nghiên cứu thị trường để DN sản xuất cũng như nhà phân phối nắm bắt được xu thế, xu hướng nhu cầu của thị trường, có sự thay đổi với sản phẩm, với quy cách sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thay đổi, đồng thời giúp DN dễ dàng xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Đọc thêm