Sắp xếp cán bộ dôi dư xã, huyện - làm sao 'thấu lý, vẹn tình'?

(PLO) - Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã không đạt tiêu chuẩn là công tác cán bộ. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, bởi tại một số địa phương, dù mới lên đề án đã có hiện tượng “chạy”, rồi điện thoại nhiều nơi xin xỏ hòng giữ “cái ghế” của mình. 
Có ý kiến đề nghị tổ chức thi tuyển để lựa chọn cán bộ sau khi sáp nhập. (Ảnh minh họa)

Theo ý kiến các chuyên gia, trong việc bố trí con người thì chúng ta nên tổ chức thi tuyển, từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên.

Trên 50% cử tri đồng ý mới làm

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Trong quá trình đó, ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một ĐVHC cùng cấp liền kề.

Trong một số trường hợp, tùy tình hình, điều kiện cụ thể có thể điều chỉnh, chia tách một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã để sáp nhập vào các ĐVHC cùng cấp khác nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất, khi thực hiện sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập. Đề án cũng khẳng định nguyên tắc không thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số nếu có một trong các yếu tố đặc thù như có điều kiện vị trí địa lý tự nhiên biệt lập với các ĐVHC khác như hải đảo, cù lao, vùng sâu, vùng xa; có đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống cộng đồng dân cư mà nếu sắp xếp với các ĐVHC khác sẽ gây xáo trộn tạo bất lợi bất ổn về an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội…

Bộ Nội vụ cũng nêu rõ quan điểm thực hiện việc sắp xếp có trọng tâm và bước đi thích hợp, nơi nào thuận lợi thì tiến hành làm trước; gắn việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã ngoài căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì cần phải chú trọng đến yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư để bảo đảm sự kế thừa ổn định, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm ổn định an ninh trật tự, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về Đề án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nêu rõ, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân, có trên 50% tổng số ý kiến cử tri đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Cần thực hiện đúng quy định, thể hiện rõ bản chất Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, những vấn đề có liên quan đến nhân dân trên địa bàn đều lấy ý kiến nhân dân, việc lấy ý kiến phải thực chất”, Phó Thủ tướng nói. 

Theo ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, việc sáp nhập địa giới hành chính là một khâu để tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, ngoài những tiêu chí cứng về dân số, về diện tích thì cần đặc biệt để ý đến phong tục, tập quán, đến văn hóa từng vùng miền, đặc thù vị trí địa lý; ví dụ như ở vùng sâu, vùng xa, ở miền núi diện tích rộng nhưng số dân thưa…

Do đó, việc lấy ý kiến cử tri là một trong những điều kiện mà ông cho rằng hết sức cần thiết. “Vì xây dựng bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính suy cho cùng cũng vì cuộc sống của nhân dân”, ông Vượng nói.

Tránh tiết kiệm được vài chục triệu lại tốn bạc tỉ

 Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn là công tác cán bộ. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về Đề án, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia... Ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm “chuyện nọ, chuyện kia”, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”. 

Cũng lo ngại về khả năng khi tổ chức thực hiện sẽ “đẻ” ra nhiều vấn đề, ví dụ như tiêu cực “chạy chức, chạy quyền” rồi xin kinh phí xây dựng trụ sở mới… Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định, nếu làm không khéo thì “giảm được vài biên chế, vài chục triệu nhưng lại xin bạc tỷ để làm trụ sở mới!”.

Do vậy, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, trước mắt cần quan tâm đến những địa phương đặc biệt, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa để tập trung làm trước, lấy kinh nghiệm cho các nơi khác thực hiện. Trong quá trình thực hiện như vậy cần chú ý tránh làm đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và tư tưởng của người dân địa phương. Cùng với đó, cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện, giám sát việc triển khai chặt chẽ để nâng cao hiệu quả. 

Về vấn đề cán bộ, Tướng Cương cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần chú ý, “nếu để một nhóm người quyết định và “chạy sau lưng” thì chết!”. “Bây giờ từ hai ông trưởng phòng còn 1 ông thì Giám đốc Sở, Bí thư đảng ủy phải họp toàn bộ cán bộ chủ chốt trong đơn vị đó, bàn đi bàn lại, phân tích tại sao để ông này mà không để ông kia. Phải công bố cho anh em bàn thảo, bàn lên bàn xuống rồi bỏ phiếu tại chỗ để không ai “chạy” được cả. Cái này thì cách làm quan trọng lắm”, ông Cương nhấn mạnh.

Cho rằng khi sáp nhập ĐVHC thì chắc chắn dôi dư về con người, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) kiến nghị: con người dôi dư ra thì cần bố trí hợp tình, hợp lý, không bố trí những con người mà ta cho rằng thân quen rồi biết chạy chọt chỗ này, chỗ kia vào với cơ quan để những người không thân quen, có trình độ có năng lực lại dôi dư ra.

Đây là vấn đề hết sức khó khăn. Cho nên người lãnh đạo phải khách quan, công tâm, vô tư, nếu cần thiết, trong việc bố trí con người thì chúng ta tổ chức thi tuyển cấp lãnh đạo, thi tuyển cấp chuyên viên, thi tuyển cấp cán bộ. Như vậy tôi nghĩ rằng sẽ phù hợp và thực tiễn hơn”, ĐB Hòa nói. 

Liên quan đến vấn đề nhân sự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý khi thực hiện việc sáp nhập, chia tách phải đánh giá tác động hết sức thận trọng, phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
“Phải có chế độ, chính sách rõ ràng, không phải là chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, hay chuyện “trả công quên ân”, trọn gói trả cho như thế coi như là xong” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng những nhân sự này cần vận động để người ta tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Những công việc này, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện tốt để tạo sự đồng thuận cao.

Đọc thêm