Sáng nay (9/8), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 (Đề án).
Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều
Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Chính quyền địa phương các cấp tại những đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp, sáp nhập chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan và không thu các loại phí lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong quá trình xây dựng Đề án, tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo và gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, địa phương, có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng cũng có ý kiến đề nghị sắp xếp 259 đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191 đơn vị hành chính cấp xã.
Cũng có một số quan điểm cho rằng khi lấy ý kiến mà không được trên 50% số cử tri đồng ý với Đề án thì không thể trình cấp có thẩm quyền xem xét việc sáp nhập các đơn vị hành chính để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ý kiến khác lại khẳng định: mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn diện tích và dân số đã được Nghị quyết trung ương đề ra. Vì vậy mặc dù không được trên 50% tổng số cử tri đồng ý thì vẫn trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đồng tình cao với Đề án, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn dẫn thực tế đáng phải suy ngẫm: trong số 63 xã phải sáp nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại một chứ không phải 2 xã. Bởi vậy, theo ông Sơn, quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. “Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Vậy phải có 1 nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”- ông Sơn đặt vấn đề.
Chia sẻ quan điểm trên, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Khắc Vinh cũng cho biết: “khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia...Ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”.
Nhấn mạnh đến việc sắp xếp số cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng đây là “đại vấn đề” mà nhiều địa phương trăn trở. Vì vậy, cần có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ, chính sách áp dụng cho trường hợp này. Khi áp dụng cần có sự thống nhất, tránh mỗi địa phương lại có các chế độ, chính sách khác nhau.
Quang cảnh hội nghị. |
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận khi sáp nhập từ 3 xã còn 1 thì trước đây có 3 bí thư, 3 chủ tịch giờ 2 người không còn giữ vị trí này, và hàng loạt cán bộ khác. Vì vậy phải xem xét chính sách, thậm chí có thể có quy định nâng số lượng cấp phó cũng như chế độ, lương phù hợp với phân loại đơn vị hành chính để đảm bảo sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.
Ông Uông Chu Lưu cũng lưu ý, trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nơi nào đủ điều kiện, cử tri đồng tình thì triển khai sắp xếp. Nơi chưa đủ thì tiếp tục vận động, tuyên truyền và làm sau khi có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Đồng thời, căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính để có chính sách cho phù hợp về lương, phụ cấp, chế độ làm việc để cán bộ yên tâm làm việc.
Còn nhiều việc để huy động cán bộ dôi dư
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhận định, Đề án nêu 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số, nhưng đó là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, vì vậy chúng ta cần xem xét đến những yếu tố đặc thù khác, như về điều kiện địa lý- tự nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục tập quán lối sống của cộng đồng dân cư để xem xét.
“Quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên quy mô dân số là để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng phải đảm bảo sự kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, không máy móc. 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chí chỉ mới là con số thống kê, còn khi xây dựng và thực hiện đề án, khi tính toán kỹ thì con số có thể khác”- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý.
Về vấn đề tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với việc sáp nhập, Phó Thủ tướng cho rằng Hiến pháp 2003 và Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ. Theo đó, việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải tiến hành lấy ý kiến của nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Hiến pháp và luật đã quy định như vậy thì chúng ta cần thực hiện đúng quy định hiện hành...Những vấn đề liên quan đến nhân dân trên địa bàn thì cần phải tôn trọng ý kiến của nhân dân. Khi lấy ý kiến phải thực chất chứ không phải của các đại cử tri mà không phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân.”- ông căn dặn.
Phó Thủ tướng cũng thống nhất với đề xuất về việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trong đó nghị quyết cần quy định cụ thể về việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; các chế độ chính sách đối với những nhân sự mà qua sắp xếp dôi dư. Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành cũng phải ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng một các kịp thời để triển khai đồng bộ.
“Chúng ta cũng trân trọng đối với những cán bộ công chức, viên chức và người tham gia không chuyên trách đã đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nhưng khi có nhu cầu cần phải sắp xếp lại các đơn vị và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước... thì chúng ta phải làm”- Phó Thủ tướng nói.
Vẫn theo lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: khi sắp xếp phải có chế độ chính sách rõ ràng. Ông nhấn mạnh, “đây là chế độ chính sách chứ không phải chuyện “vắt chanh bỏ vỏ” hay là chuyện trả công rồi quên ơn”. Không thể coi việc đưa ra một số tiền trọn gói trả công cho “anh” là xong. Mà những nhân sự này phải tiếp tục vận động họ tham gia vào hệ thống chính quyền cơ sở, như Mặt trận, đoàn thể... làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương . “Còn nhiều việc để chúng ta huy động lực lượng này tham gia vào việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở”- Phó Thủ tướng gợi mở./.