Cụ thể, phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Hải Dương đến hết năm 2025 theo các hình thức: Duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sáp nhập; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn), gồm các Phụ lục sau:
- Phụ lục I về Kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đến hết năm 2025 (Danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến hết năm 2025).
- Phụ lục II về Kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập đến hết năm 2025 (Danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập đến hết năm 2025).
- Phụ lục III về Kế hoạch thực hiện thoái vốn, giữ nguyên phần vốn nhà nước đến hết năm 2025 (Danh mục doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn, giữ nguyên phần vốn nhà nước đến hết năm 2025).
- Phụ lục IV về Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng đến hết năm 2025.
Quyết định cũng sửa đổi nội dung quy định tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
Cụ thể, sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 2 Quyết định số 1479/QĐ-TTg như sau: "Cho ý kiến để người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết về việc thực hiện sắp xếp lại (hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) đối với các doanh nghiệp nêu tại Mục 2 Phụ lục III Quyết định này và các công ty cổ phần khác, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành".
Hiệu chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại sau khi thoái vốn của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình (số thứ tự 127 Mục 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg) thành: 63,06% vốn điều lệ (thay cho mức 64,06% vốn điều lệ).
Bộ Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm cho ý kiến để người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết về việc thực hiện sắp xếp lại (hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) đối với các doanh nghiệp và các công ty cổ phần khác, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn sớm hơn lộ trình được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.
Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại các văn bản cá biệt đối với các trường hợp không thực hiện được theo Quyết định này do điều kiện thị trường không thuận lợi hoặc gặp vướng mắc, khó khăn khách quan.
Đối với trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo khung hoặc/và không thực hiện được đến hết năm 2025 do nguyên nhân chủ quan, đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.